Top

Tham nhũng đất đai: Vòi bạch tuộc

Cập nhật 29/11/2007 09:00

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo về tình hình tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước gửi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Bộ TN - MT cho biết, tham nhũng có mặt ở hầu hết các lĩnh vực quản lý đất đai.

Theo Bộ TN - MT, do việc quản lý đất đai ở nước ta có quá trình lịch sử phức tạp, hệ thống hồ sơ địa chính chưa hoàn chỉnh, thiếu dữ liệu quản lý dẫn tới thông tin để quản lý đến từng thửa đất chưa đạt yêu cầu.

Do vậy, nhiều cán bộ địa chính xã, huyện đã lợi dụng kẽ hở này để tham nhũng trong việc xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất khi làm thủ tục cấp “sổ đỏ”.

Đặc biệt, trường hợp người dân thiếu giấy tờ hoặc giấy tờ không rõ ràng càng dễ bị gây khó khăn để trục lợi. Tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, cơ quan thanh tra đã phát hiện cán bộ địa chính xã này khi lập hồ sơ xét duyệt cấp “sổ đỏ” đã xác nhận không đúng thực tế và hồ sơ lưu giữ tại UBND xã.

Lực lượng thanh tra cũng đã phát hiện vụ lãnh đạo các thôn thuộc xã Yên Thường, huyện Gia Lâm bán, đấu thầu đất trái thẩm quyền. Trong vụ này, số tiền tạm giữ lên tới 393 triệu đồng. Không chỉ có vậy, nhiều “sổ đỏ” đã ký nhưng cán bộ chức năng không trao cho dân, cố tình kéo dài thời gian, gây khó khăn để vòi vĩnh tiền bồi dưỡng...

Lập phương án bồi thường để... tham ô

Thứ trưởng Trần Thế Ngọc cho biết, kể từ khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành, tình trạng thu hồi đất tràn lan dẫn tới sử dụng đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ một cách manh mún hoặc lợi dụng việc thu hồi đất để tư lợi đã giảm đáng kể.

Lợi dụng kẽ hở chính sách để biến ký túc xá thành dự án kinh doanh nhà. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, tình trạng tham nhũng lại diễn ra khá phổ biến với các hành vi như: gian lận trong lập phương án bồi thường để tham ô; lập 2 phương án bồi thường (một cho người có đất bị thu hồi và một để thanh toán với Nhà nước); lập phương án, xác nhận thời điểm sử dụng đất, vị trí đất, diện tích sử dụng, thỏa thuận với người dân để chia lợi nhuận.

Cá biệt, có trường hợp khai khống diện tích để hưởng lợi. Theo ông Trần Thế Ngọc, tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, gây mâu thuẫn, bất bình trong nhân dân dẫn tới khiếu nại, tố cáo kéo dài làm mất trật tự xã hội.

“Bộ cũng đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra tại các điểm nóng về quản lý đất đai như Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Phong, Hương Khê (Hà Tĩnh), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... Các sai phạm chủ yếu là lợi dụng việc quy hoạch công sở, giao đất, tái định cư để tham nhũng, trục lợi” - ông Trần Thế Ngọc nói.

Nâng giá đất để chống tham nhũng

Theo phân tích của Bộ TN - MT, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tham nhũng đất đai lan rộng trên nhiều lĩnh vực. Thứ nhất, do hệ thống chính sách pháp luật liên quan chưa thống nhất, tạo nhiều kẽ hở để tiêu cực, tham nhũng hoạt động.

Thứ hai, do phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, các địa phương triển khai văn phòng “một cửa” chậm... nên tạo ra “hành lang” cho nạn phiền hà, nhũng nhiễu.

Thêm vào đó, giá đất do Nhà nước quy định lại chưa phù hợp với giá đất trên thị trường trong điều kiện bình thường, chỉ bằng 50 - 70% giá thực tế. Đây là kẽ hở đồng hành với cơ chế xin - cho về đất, là nguyên nhân hạn chế kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng về đất đai.

Do đó, theo ông Trần Thế Ngọc, cần phải nâng giá đất sát với giá thị trường nhằm giảm chênh lệch địa tô do quy hoạch hoặc đầu tư hạ tầng, triệt tiêu dần nạn xin - cho về đất. Ngoài ra, cần sớm ban hành Luật Đăng ký bất động sản để thống nhất quản lý đất đai và tài sản gắn liền với đất.

Cùng lúc, cần điều chỉnh chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đang có nhiều điểm bất hợp lý để giảm dần khiếu nại... Đặc biệt, Nhà nước cần có chủ trương đầu tư lớn về kinh phí để tới 2010 có một hệ thống quản lý đất đai hiện đại, trong sạch, công khai, minh bạch, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

Theo An Ninh Thủ Đô