Top

Sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

Cập nhật 05/11/2009 15:35

Chính phủ vừa ban hành Nghị Định số 83/2009/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12-02-2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Theo đó, bổ sung vào cuối điểm a khoản 3 Điều 2 : Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước kể cả các dự án thành phần, Nhà nước quản lý toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng từ việc xác định chủ trương đầu tư, lập thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án, nhưng không quá 3 năm đối với dự án nhóm C, không quá 5 năm đối với dự án nhóm B.

Sửa đổi, bổ sung vào khoản 1 Điều 10 : người quyết định đầu tư có trách nhiệm thẩm định dự án trước khi phê duyệt. Thời gian xem xét của các cơ quan liên quan, kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án không quá 45 ngày đối với dự án quan trọng quốc gia, không quá 20 ngày đối với dự án nhóm A, không quá 15 ngày đối với dự án nhóm B và không quá 10 ngày đối với dự án nhóm C.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình trong phạm vi đô thị do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, người quyết định đầu tư phải lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi phê duyệt dự án. Đối với các dự án khác, việc lấy ý kiến về thiết kế cơ sở do người quyết định đầu tư quyết định khi thấy cần thiết.

Đơn vị đầu mối có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án để lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Cơ quan tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở được hưởng 25% phí thẩm định dự án, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định này.

Đối với các dự án đã được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư thì người được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư có trách nhiệm thẩm định dự án.

Khoản 1 và khoản 2 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung: Dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên được điều chỉnh khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai như động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa hoặc sự kiên bất khả kháng khác; xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án; khi quy hoạch xây dựng thay đổi trực tiếp ảnh hưởng đến địa điểm, quy mô, mục tiêu của dự án.

Trường hợp điều chỉnh dự án không phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì phải lấy ý kiến của cơ quan này.

Ngoài ra các Điều 15, 20, 23, 36,57 cũng được sửa đổi, bổ sung các vấn đề về thi tuyển chọn thiết kế công trình xây dựng, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình và nhà ở đô thị, thẩm quyền cấp phép xây dựng và quy định chung về điều kiện năng lực của tổ chức cá nhân khi tham gia lĩnh vực xây dựng công trình, định giá xây dựng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-12-2009.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Website TP.HCM