“TP.HCM giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối, giao thương với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, 70% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của vùng đều thông qua cảng biển khu vực ĐBSCL. Bởi vậy cần bố trí nguồn vốn đầy đủ và kịp thời để xây dựng hạ tầng giao thông nhằm kết nối khu vực”. Đó là ý kiến của các địa phương tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Tây Nam bộ về kết nối giao thông TP.HCM và các tỉnh Tây Nam bộ ngày 4-4.
Hiện TP.HCM đi ĐBSCL chỉ có một tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ nhưng thi công khá ỳ ạch - Ảnh: LƯU ĐỨC
Nhiều dự án cũ chậm tiến độ
Theo dự thảo báo cáo của Bộ GTVT, hệ thống đường bộ liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL chủ yếu thông qua một tuyến cao tốc (TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, dài 132 km), năm tuyến quốc lộ (quốc lộ 1, duyên hải ven biển phía Đông bao gồm quốc lộ 50 và 60, quốc lộ N1, quốc lộ N2 và đường ven biển TP.HCM - Kiên Giang) và ba tuyến vành đai của TP.HCM (Vành đai 2, 3 và 4 với tổng chiều dài 351 km, có quy mô 6-10 làn xe).
Đối với cao tốc, Bộ GTVT cho biết chỉ mới khai thác đoạn TP.HCM - Trung Lương (40 km); riêng đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang tháo gỡ khó khăn, phấn đấu thông xe cuối năm 2020. Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang lựa chọn nhà đầu tư và dự kiến thông xe năm 2022.
Đối với các tuyến quốc lộ, Bộ GTVT cho biết hiện đã nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, quốc lộ N2 chưa thông xe toàn tuyến. Cụ thể, đoạn Mỹ An - Cao Lãnh với chiều dài 26,164 km chưa thu xếp được nguồn vốn nên dự án chưa triển khai đầu tư. Đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hiện triển khai khoảng 48% khối lượng, dự kiến hoàn thành năm 2020.
Về các tuyến vành đai, Bộ GTVT cho biết đang tích cực triển khai. Cụ thể, đường Vành đai 2 mới khép kín được 51/64 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Đường Vành đai 3 đã đưa vào khai thác 16 km, các đoạn tuyến còn lại chưa đầu tư. Vành đai 4, hiện Bộ GTVT và TP.HCM đang tích cực và kêu gọi nhà đầu tư.
Đối với đường thủy nội địa, nút thắt lớn nhất là kết nối giữa TP.HCM và kênh Chợ Gạo. Tuyến này mặc dù được nâng cấp mở rộng nhưng tình trạng quá tải, ùn tắc vẫn thường xuyên diễn ra. Cảng Cần Thơ vẫn chưa phát huy được đầu mối đảm nhận thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Toàn vùng vẫn thiếu một cảng nước sâu có thể tiếp nhận các tàu cỡ lớn.
Bổ sung hàng loạt tuyến đường mới
Để khắc phục những hạn chế về hạ tầng giao thông ĐBSCL, Bộ GTVT cho biết đang triển khai xây dựng hai đề án. Cụ thể, đề án kết nối mạng giao thông khu vực Đông Nam bộ và đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL.
Theo đó, bổ sung tuyến quốc lộ 14C với chiều dài 238 km kết nối từ thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đến Tây Ninh, Long An. Điều chỉnh quy hoạch nối thẳng hướng tuyến đường Hồ Chí Minh (đường N2) từ nút giao với ĐT 821 đến cách quốc lộ 62 khoảng 6 km trên địa bàn tỉnh Long An.
Bổ sung kết nối từ tuyến N1 vào đường Vành đai 4 TP.HCM. Bổ sung kết nối TP.HCM theo trục Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Tạo nối với đường Long Hậu qua sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 50.
Hệ thống trục ngang, bổ sung cao tốc Trung Lương - Bến Tre, Hồng Ngự (cửa khẩu Dinh Bà) - Trà Vinh.
Về đường sắt, ngoài tuyến TP.HCM - Cần Thơ, bổ sung quy hoạch đường sắt đô thị 3A (Bến Thành - Tân Kiên) kết nối với TP Tân An (Long An).
“Phía Bắc một đồng, phía Nam 1,5 đồng!”
Sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng có ý kiến nêu vấn đề hiện nay việc đầu tư hạ tầng giao thông khu vực phía Nam chưa tương xứng, không bằng khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, thực tế khu vực phía Nam được đầu tư lớn, chiếm một tỉ trọng rất cao so với nhiều khu vực khác. Hiện phía Bắc đầu tư một đồng nhưng phía Nam phải đầu tư 1,5 đồng bởi yếu tố địa lý. “Nói ra con số thì mọi người tranh luận nhưng tôi khẳng định đầu tư phía Nam luôn cao hơn các khu vực khác, đặc biệt là Trung bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc…” - ông Đông nói.
Ngoài ra, thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị với các địa phương cần xác định các dự án ưu tiên đầu tư, kiến nghị công tác quy hoạch, các cơ chế, chính sách như huy động vốn cho dự án, hình thức đầu tư… Đồng thời cần cập nhật các số liệu từng dự án để có sức thuyết phục khi báo cáo Thủ tướng.
Khó khăn nhất là nguồn vốn nên phương thức đầu tư, phối hợp đầu tư là rất quan trọng. Như đường sắt TP.HCM - Cần Thơ vừa làm BOT vừa BT, cần quỹ đất của các địa phương để thực hiện dự án. Nên tôi rất trông chờ báo cáo của Bộ GTVT để Thủ tướng nghe và hiểu cần ưu tiên làm cái gì… Ông TRẦN VĨNH TUYẾN, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Vấn đề quan trọng hiện nay là gần như không thể sử dụng nguồn lực đầu tư công để đầu tư. Nếu thực hiện xã hội hóa như Quảng Ninh thì nhiệm vụ chính của địa phương là bỏ ngân sách của tỉnh giải phóng mặt bằng, đi trước một bước để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần phải tập trung vào giao thông thủy là lợi thế của miền Tây và chi phí đầu tư thấp hơn đường bộ.
Ông PHẠM HỮU SƠN, Chủ tịch Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI)
DiaOcOnline.vn – Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: