Theo ông Lê Đức Vinh - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra Chính phủ cho rằng trong Luật Đất đai không có quy định loại đất nào là "đất ở không hình thành đơn vị ở".
Khách sạn Bavico, TP Nha Trang nhiều năm qua bị người mua căn hộ du lịch liên tục khiếu nại - Ảnh: P.S.NGÂN
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ngưng cấp chứng nhận đầu tư, đồng thời điều chỉnh việc giao "đất ở không hình thành đơn vị ở" trái Luật đất đai cho các chủ dự án làm "căn hộ du lịch", theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.
Thời gian qua, hàng trăm dự án khu đô thị, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... tại Khánh Hòa, chủ yếu là TP Nha Trang và bán đảo Cam Ranh, được xây dựng trên cái gọi là "đất ở không hình thành đơn vị ở" do địa phương này "sáng tác", vì theo Luật Đất đai không có loại đất nào là "đất ở không hình thành đơn vị ở".
Hầu hết các dự án này được triển khai trên đất sản xuất, sản phẩm đã bán cho khách hàng và đang gây ra rất nhiều hệ lụy.
"Vận dụng sáng tạo"?
Theo ông Lê Đức Vinh - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra Chính phủ cho rằng trong Luật Đất đai không có quy định loại đất nào là "đất ở không hình thành đơn vị ở". Do vậy, việc quy hoạch và giao đất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án kinh doanh "căn hộ du lịch" là trái pháp luật đất đai hiện hành, buộc phải điều chỉnh.
Việc "vận dụng sáng tạo" ra loại đất vừa nêu ở Khánh Hòa, theo lãnh đạo một cơ quan của Khánh Hòa, là theo chủ trương thống nhất từ các cơ quan lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Việc thu tiền sử dụng "đất ở không hình thành đơn vị ở" cũng theo quy định riêng của tỉnh. Bởi do "đất không tên trong Luật Đất đai" nên không có quy định pháp luật liên quan đến loại đất đó.
Một lãnh đạo của Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa cho biết theo quy định đối với sản xuất kinh doanh, tiền sử dụng đất phải nộp chỉ bằng 30% giá đất ở bình thường. Thế nhưng, doanh nghiệp được giao đất sản xuất kinh doanh để sử dụng thành "đất ở không hình thành đơn vị ở" phải nộp tiền sử dụng đất bằng khoảng 72% giá đất ở vừa nêu.
"Việc giảm 28% tiền sử dụng đất cho người sử dụng "đất ở không hình thành đơn vị ở" là bởi theo quy định của tỉnh, người mua căn hộ du lịch phải chịu bất lợi là không được ở thường xuyên và không được nhập hộ khẩu. Còn thời gian sử dụng đất phải theo thời hạn giao đất cho chủ dự án căn hộ du lịch đó" - vị này nói.
Theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa, với các dự án được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư có "đất ở không hình thành đơn vị ở" và mục tiêu "xây dựng căn hộ du lịch để bán hoặc cho thuê", các cơ quan quản lý đất đai phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho từng căn hộ du lịch của dự án đó, theo yêu cầu của nhà đầu tư sau khi hoàn thành nộp các khoản tiền đất đai theo quy định.
Tuy nhiên, việc giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng "đất ở không hình thành đơn vị ở" của tỉnh Khánh Hòa đã bị Thanh tra Chính phủ "tuýt còi" yêu cầu phải điều chỉnh.
Nhiều hệ lụy
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phúc - giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa - cho biết tại địa phương này chưa có dự án nào được cấp giấy chứng nhận là condotel (căn hộ khách sạn). Tuy nhiên, hàng loạt dự án khách sạn, khu du lịch trên địa bàn đều bán những "căn hộ khách sạn" cho khách.
Chỉ riêng tại Bãi Dài, thuộc khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, có khoảng 10 dự án đã được giao đất, cấp phép đầu tư xây dựng căn hộ du lịch trên "đất ở không hình thành đơn vị ở". Nhiều khu du lịch tại các đảo Vũng Me, Đầm Già trong danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang và ngay cả trung tâm TP Nha Trang... cũng đều được giao rất nhiều diện tích "đất ở không hình thành đơn vị ở" để làm căn hộ du lịch, biệt thự kinh doanh.
Việc quản lý sử dụng, khai thác "căn hộ du lịch" đã bán trong các dự án vừa nêu của các nhà đầu tư cũng có sự khác nhau. Thực tế đã từng xảy ra khiếu nại gay gắt của người mua căn hộ du lịch của Công ty CP Thanh Yến tại Nha Trang Center, vì cho rằng có sự lập lờ khi bán căn hộ du lịch nhưng ghi căn hộ chung cư, khách hàng lại không được đảm bảo quyền lợi lâu dài như căn hộ chung cư đã ghi trong giấy tờ mua bán.
Còn tại dự án khách sạn, căn hộ Mường Thanh Viễn Triều (đường Phạm Văn Đồng), theo ông Phúc, "hiện nay người mua căn hộ du lịch đã vào ở đầy như một khu chung cư", dù toàn bộ căn hộ du lịch trong dự án này chưa được cấp giấy tờ gì.
Do sự "nhập nhằng" này, công tác quản lý tại địa phương gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Phước, địa phương "không thể quản được hành chính đối với rất nhiều cư dân đã đến ở, sinh hoạt thường xuyên trong các căn hộ du lịch".
"Đất ở không hình thành đơn vị ở" là gì?
Trong quyết định giao đất cho các chủ đầu tư triển khai các dự án căn hộ du lịch, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu việc triển khai thực hiện và đưa vào khai thác dự án phải tuân thủ quy định về quản lý khu vực đất ở - đất ở (du lịch) không hình thành đơn vị ở (một thuật ngữ do địa phương này tự "sáng tác").
Khu khách sạn - căn hộ du lịch Mường Thanh Viễn Triều (TP Nha Trang) hiện có nhiều hộ vào ở như chung cư, gây lúng túng cho cơ quan quản lý - Ảnh: P.S.NGÂN
Theo đó, các căn hộ ở với tính chất là đất ở du lịch nghỉ dưỡng, không hình thành đơn vị ở và không tổ chức các dịch vụ thiết yếu như trường học, văn hóa thông tin... nhưng vẫn đảm bảo các dịch vụ tiện ích có sẵn phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng - du lịch, dịch vụ thương mại, du lịch, thể dục thể thao, không gian dạo chơi.
Không thể điều chỉnh
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Khánh Hòa, dù địa phương đã có nhiều cuộc họp nhưng chưa có kết luận cuối cùng về việc điều chỉnh quy hoạch về "đất ở không hình thành đơn vị ở". Cũng không thể điều chỉnh "đất ở không hình thành đơn vị ở" chuyển luôn thành đất ở bởi sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, "phá vỡ quy hoạch chung" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Việc phá vỡ quy hoạch chung sẽ làm tăng sức ép lên hạ tầng xã hội, gây ách tắc giao thông và giảm nhiều điều kiện phục vụ khác, giảm chất lượng phục vụ cuộc sống xã hội của cư dân..." - vị này khuyến cáo.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: