Những năm qua, mô hình lưu trú ở nhà dân (homestay) tại Đà Lạt - Lâm Đồng thu hút được lượng lớn du khách. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh khiến loại hình lưu trú này lộ ra nhiều bất cập.
Du khách trải nghiệm cuộc sống cùng chủ nhà tại homestay trên đường An Bình, TP Đà Lạt
Homestay tự phát
Hình thức dựa vào cộng đồng đã trở nên quen thuộc với khách du lịch những năm gần đây. Tại đó, khách du lịch sẽ cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân bản địa. Đây cũng là cách để du khách cảm nhận trải nghiệm về vùng đất mà họ đang đến, chứ không đơn thuần chỉ là tham quan, nghỉ dưỡng. Tại Đà Lạt, homestay phát triển khoảng 6 năm trở lại đây và số lượng cơ sở lưu trú loại hình này tăng mạnh từ 2 năm qua.
Chúng tôi tìm đến một homestay nằm sâu trên đường Đống Đa (phường 3), chủ nhân là nhóm bạn trẻ từ TPHCM lên thuê mặt bằng để kinh doanh homestay. Từ căn nhà cũ được cải tạo lại với 5 phòng ngủ. Bên ngoài, khu sân vườn cũng được chỉnh trang với một số tiểu cảnh mang phong cách tự do. Bạn Xuân Quý, thành viên của homestay này, chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư khá lớn với khoảng 1 tỷ đồng nhưng sau hơn 1 năm hoạt động, thấy khả năng thu hồi vốn chậm vì homestay bây giờ mở ra khá nhiều, gần như bão hòa rồi”.
Cách đó vài căn, gia đình ông Lê Văn Cao cũng vừa cải tạo một phần ngôi nhà để kinh doanh thêm. Ông Cao cho biết, bây giờ nhiều người có nhà riêng đều làm homestay. Tuy không tốn chi phí thuê mặt bằng nhưng gia đình phải đầu tư một khoản lớn để cải tạo lại nhà ở, mua sắm thiết bị phục vụ du khách, dù không đầy đủ như khách sạn nhưng đó là những vật dụng cơ bản.
Không khó để người đi đường bắt gặp những bảng hiệu chỉ dẫn homestay được quảng cáo khắp nơi, nhiều nhất phải kể đến các tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, An Bình, Triệu Việt Vương, Trần Phú, Hoàng Diệu, Thông Thiên Học... Homestay ở Đà Lạt có giá thuê từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng/đêm, hay những phòng ở tập thể có giá 100.000 đồng/người/đêm, tùy địa điểm và sự đầu tư cũng như không gian “độc, lạ” của chủ nhà thiết kế dành cho du khách chụp ảnh.
Chỉ riêng đoạn đường ngắn nối con hẻm nhỏ trên đường Cô Giang sang khu quy hoạch Yersin đã có hơn 10 địa chỉ kinh doanh homestay. Những căn nhà có kiểu kiến trúc của Đà Lạt xưa, dù là nhà gỗ cũng được săn đón để làm homestay. Loại hình lưu trú này bây giờ không chỉ phát triển ở khu vực trung tâm mà còn nở rộ tại các vùng ngoại ô, những nơi du khách có thể ngắm sương, mây, rừng thông Đà Lạt.
Chưa đúng nghĩa homestay
Nhiều người kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tại Đà Lạt cho rằng, homestay tại đây đang bị biến tướng, việc đặt nặng giá trị thương mại, ít nhiều làm mất dần tính đặc sắc riêng của homestay là “sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn ở cùng người dân bản xứ”. Nhiều mô hình homestay chỉ là những căn phòng trọ tạm bợ, tối giản, thậm chí không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh. Một số nhà nghỉ bình dân trước đây, chỉ đầu tư thêm khu vực cho du khách chụp ảnh, rồi cũng gắn nhãn “homestay”.
Số lượng homestay tăng quá nhanh cũng đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực về quỹ đất làm mới cơ sở lưu trú. Vừa qua, trong đợt xử lý các công trình xây dựng tại phường 11, UBND TP Đà Lạt phát hiện có 26 công trình xây dựng không phép, sai phép. Trong đó nhiều trường hợp người dân dựng nhà trái phép ngay trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch lâm nghiệp để làm homestay. Nếu như đầu năm 2017, trên địa bàn TP Đà Lạt chỉ có 259 cơ sở lưu trú dạng homestay với 2.164 phòng, nhưng sau 2 năm, loại hình lưu trú này tăng chóng mặt với hơn 900 cơ sở.
Theo bà Trần Vũ Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, một số cơ sở homestay không đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn nhưng vẫn đưa vào hoạt động. Qua rà soát lại toàn bộ địa điểm kinh doanh homestay trên địa bàn, UBND TP Đà Lạt ghi nhận có 916 homestay đang hoạt động, nhưng chỉ có 428 cơ sở được cấp phép hoạt động. Homestay là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó phải đảm bảo an ninh trật tự. Nếu muốn hoạt động, các cơ sở phải hội đủ thủ tục như: chứng nhận đăng ký kinh doanh; chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Trên thực tế, nhiều cơ sở không chấp hành đầy đủ; chỉ tận dụng nhà ở, cơi nới thêm vài phòng rồi tự kinh doanh lưu trú. “Hiện nay địa phương vẫn chưa có quy định chung nào về quản lý loại hình kinh doanh homestay nên còn nhiều bất cập trong quản lý, gây thất thoát thuế, với hơn 400 cơ sở chưa được cấp phép. Trong khi đó, hiện đang có sự chồng chéo giữa các cơ quan chức năng trong quản lý loại hình kinh doanh này. Không xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong quản lý. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới địa phương sẽ sớm hoàn thiện dự thảo quy định tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh homestay trên địa bàn”, bà Trần Vũ Thị Loan cho biết.
DiaOcOnline.vn – Theo SGGP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: