Top

Quy hoạch vẫn nổi lên nhiều hạn chế

Cập nhật 16/10/2008 01:00

Chính phủ đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) đến năm 2010 của 6 vùng kinh tế và xây dựng quy hoạch phát triển hành lang kinh tế: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng.

Các bộ, ngành cũng đã hoàn thành 102 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; 58/63 tỉnh, thành phố đang triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của địa phương đến năm 2020.

Phát biểu tại Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, ông Trương Văn Đoan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, công tác quy hoạch ngành, vùng, sản phẩm chủ yếu đã phần nào khắc phục được tính cục bộ địa phương, hạn chế được sự độc quyền phát triển của một số ngành, một số sản phẩm nhất định, đặc biệt đã hạn chế được sự phát triển không theo quy hoạch của các cảng biển, sân bay, hệ thống resort…

Ông Phùng Quốc Hiển, Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước nhận định, về cơ bản, công tác lập quy hoạch thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, chất lượng quy hoạch đã được nâng lên so với trước, các bản quy hoạch nhìn chung đã có tính thực tiễn cao hơn, qua đó đã tạo điều kiện cho các địa phương, bộ ngành phân bổ nguồn vốn đầu tư tốt hơn.

Đặc biệt, các bộ, ngành địa phương đã “mạnh tay” trong việc đình hoãn khởi công nhiều dự án không có trong quy hoạch, ngừng triển khai các dự án chưa thực sự cấp bách để chuyển vốn cho các dự án khác.

Kết quả là nợ xây dựng cơ bản (XDCB) - căn bệnh kinh niên trong công tác đầu tư xây dựng XDCB bằng nguồn vốn ngân sách đã được giải quyết khá triệt để, ông Hiển cho biết.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác quy hoạch, nhưng theo ông Trương Văn Đoan, công tác này vẫn nổi lên nhiều hạn chế. Hạn chế lớn nhất của các bản quy hoạch hiện nay là chưa có tầm nhìn xa, công tác phân tích và dự báo về thị trường thiếu tin cậy, dẫn đến tình trạng không ít bản quy hoạch phải thay đổi nhiều lần. Bên cạnh đó, nhiều bản quy hoạch mang tính giải quyết tình thế, hệ thống quy hoạch kết cấu hạ tầng thiếu sự gắn kết trong triển khai thực hiện và khai thác sử dụng.

Hạn chế thể hiện rõ nhất trong quy hoạch là lĩnh vực xây dựng đô thị và hạ tầng giao thông. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù “quy hoạch” là khái niệm khó, nhưng có thể định lượng bằng việc nhìn vào bộ mặt đô thị thì bất cứ ai cũng có thể hình dung ra công tác quy hoạch hiện nay còn yếu kém như thế nào.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 743 đô thị các loại, 160 khu công nghiệp tập trung, 28 khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế đặc thù nằm trong quy hoạch mạng lưới đô thị quốc gia mở rộng và là tiền đề cho sự phát triển đô thị tại các vùng biển và biên giới. Hệ thống đô thị ngày càng bộc lộ bộ mặt nhôm nhem, chắp vá, giao thông tắc nghẽn, chưa mưa đã lụt lội, môi trường ô nhiễm quanh năm…

Theo ông Hiển, nguyên nhân nằm ở chỗ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng căn cứ vào các quy hoạch đô thị, nhưng quy hoạch lại thiếu sự ổn định, chưa dự báo đúng tốc độ phát triển, nên mới chỉ đáp ứng được yêu cầu ngắn hạn, trong đó quy hoạch giao thông và các quy hoạch khác chưa thực sự gắn kết với quy hoạch đô thị (quy hoạch tổng thể). Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch còn yếu kém dẫn tới tình trạng khó kiểm soát và nhiều quy hoạch bị phá vỡ.

Sự hạn chế còn được thể hiện ở sự thiếu phối hợp giữa quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, thậm chí không ít quy hoạch đã bị phá vỡ. Theo phân tích của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình, còn có nguyên nhân là do hàng năm các tỉnh đều đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mức quá cao và coi đây là “mục tiêu cứng”.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao như vậy, các địa phương ra sức thu hút đầu tư, kể cả đầu tư vào những ngành mà mình không có thế mạnh, thu hút đầu tư vào cả những ngành, sản phẩm mà những tỉnh liền kề (cùng nằm trong quy hoạch vùng, quy hoạch ngành) đang triển khai thuận lợi hơn nên đã phá vỡ quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.

“Không nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế một cách tuyệt đối, mà tăng trưởng kinh tế phải gắn với sự phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực trong cả một vùng, ông Bình phân tích.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư