Top

Quy hoạch Thủ Thiêm: Từ bảo tồn đến xóa bỏ Dòng Mến Thánh Giá, Nhà thờ Thủ Thiêm

Cập nhật 08/05/2018 10:45

Năm 2017, Người Đô Thị từng có chuyên đề về Kiến trúc tôn giáo ở Thủ Thiêm: Vẻ đẹp thiện mỹ nơi đô thị. Chuyên đề này có ý kiến của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực kiến trúc đô thị và văn hóa lịch sử đề nghị giữ gìn và tôn tạo những công trình tôn giáo trăm năm tuổi này. Nhân vụ mất hồ sơ gốc quy hoạch Thủ Thiêm, Người Đô Thị trở lại vấn đề này, nhìn lại một tiến trình đổi thay quy hoạch và chủ trương bất nhất của chính quyền...

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân thăm Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Ảnh: Người Lao Động

Cụm công trình tôn giáo lâu đời trên bán đảo Thủ Thiêm đang đứng trước lằn ranh tồn vong sau khi UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và thu hồi Trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công công viên bờ sông và tuyến đường ven sông theo đúng tiến độ.

Từ giữ gìn đến "giải toả trắng"

Mười năm kể từ Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996, việc bảo tồn những công trình tôn giáo trong đó có nhà thờ Thủ Thiêm lần đầu tiên được chính thức nhắc đến theo hướng “giữ gìn và tôn tạo” tại Tờ trình số 1817/QHKT-ĐB2 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc ngày 18.8.2005.

Nhà dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Ảnh: Quý Hòa

Văn bản từ cơ quan tham mưu là một trong những cơ sở để UBND TP.HCM ngày 27.2.2005 ban hành Quyết định 6565/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000, thay thế Quyết định 367/TTg. Diện tích dành cho "công trình văn hoá" (nếu ứng với vị trí thực địa thì đây là các cơ sở tôn giáo Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm) được thể hiện trên bản vẽ quy hoạch đính kèm Quyết định 6565/QĐ-UBND.

Văn bản này tiếp tục là cơ sở để UBND TP.HCM duyệt quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000 bằng việc ban hành Quyết định 6566/QĐ-UBND cùng ngày. Khu công trình văn hoá vẫn nguyên vẹn trên bản đồ quy hoạch 1/2000.

Trước đó (tháng 9.2004), bản thuyết trình Quy hoạch tổng mặt bằng do Sasaki Associates thực hiện với sự hợp tác của Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM đệ trình Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng nêu rõ trong “những địa điểm nổi bật của khu Lõi trung tâm” có các cơ sở công giáo ở Thủ Thiêm. Xác định công trình tôn giáo lâu đời này là “khu văn hóa chính yếu”, đơn vị thiết kế đề nghị “giữ lại và kết hợp với thiết kế của Lõi trung tâm”.


Nhà nguyện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm có từ năm 1927. Ảnh: Quý Hòa

Ngày 2.11.2007, UBND TP.HCM ra Quyết định số 4954/QĐ-UBND điều chỉnh hủy bỏ đoạn “Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ” của Điều 2 Quyết định số 6565/QĐ-UBND ngày 27.12.2005. Tiếp theo, ngày 7.11.2007, UBND TP.HCM có Quyết định số 5016/QĐ-UBND điều chỉnh hủy bỏ đoạn “Căn cứ Quyết định số 367/TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm và Quyết định sóo 6565/QĐ-UB ngày 27.12.2005 của UBND TP.HCM về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm” của Quyết định số 6566/QĐ-UB ngày 27.12.2005.

Như vậy, cả hai quyết định điều chỉnh không ảnh hưởng đến việc giữ lại diện tích đất của "công trình văn hoá".

Ngày 19.6.2012, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3165/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2. Theo đó, quy hoạch mới có 8 phân khu chức năng so với 5 phân khu chức năng theo QĐ6566/QĐ-UBND năm 2005. Diện tích quy hoạch vẫn không đổi: 657ha. Nhưng phần đất dành cho công trình văn hoá đã được "giải toả trắng" trên bản đồ đính kèm theo quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm (năm 2005)

Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm (năm 2005)

Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Điều chỉnh năm 2012)
 

Hình ảnh các cơ sở công giáo ở Thủ Thiêm thể hiện trên Google Maps.

Các nữ tu nguyện giữ nguyên hiện trạng Hội Dòng

Tỏ ra ngạc nhiên và bày tỏ sự hoang mang với phóng viên Người Đô Thị chung quanh thông tin chính quyền di dời Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và thu hồi Trường tiểu học Thủ Thiêm phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, nữ tu Maria Nguyễn Thị Ngoan, Tổng phụ trách Hội Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm, cho biết chưa nhận được thông báo chính thức từ phía chính quyền. Nữ tu cho biết cũng muốn viết thơ xác định với thành phố việc Hội Dòng không di dời trụ sở.

Cũng theo đại diện Hội Dòng, trong buổi làm việc gần nhất với  ông Nguyễn Phước Hưng - Chủ tịch quận 2, đôi bên chỉ thảo luận về những phương án hỗ trợ cho Hội Dòng nếu Nhà nước cần giải tỏa ba ngôi trường để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Một trong rất nhiều tài liệu mà các nữ tu Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm còn lưu trữ.

Trường Nữ Thủ Thiêm (được lập năm 1875), Trường Nam Thủ Thiêm (1875) và Trường Nữ Thánh Anna (1957) là ba cơ sở của Hội Dòng. Năm 1975, theo lệnh của Đức Tổng Giám mục Phaolo Nguyễn Văn Bình và chiếu theo văn bản số 576/VP-75 của Tòa Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn, bản Thông cáo chung về việc công lập hóa các tư thục công giáo, Hội Dòng bàn giao ba trường cho Sở Giáo dục sử dụng với mục đích giáo dục.

Đại diện Hội Dòng cho biết trong khoảng thời gian 2008-2011, nhiều lần Hội Dòng đã gởi thư báo cho chính quyền địa phương biết các trường học trên là tài sản của Hội Dòng, đồng thời yêu cầu trả lại cho Hội Dòng, căn cứ vào Thông cáo chung (Sở Giáo dục TP.HCM và UBLL Giáo dục Công giáo ngày 15.10.1975), trích: “Quyền sở hữu các trường sở nói trên vẫn thuộc về giáo hội công giáo. Trong trường hợp muốn dành cơ sở phục vụ cho một mục tiêu khác ngoài mục tiêu giáo dục, cần phải có sự thỏa thuận của đôi bên”.

Từ ngày 5.9.2011, cả ba trường học trên đều không còn được sử dụng vào mục đích giáo dục. Ngày 22.11.2011, việc UBND phường Thủ Thiêm và một số cơ quan đoàn thể dọn vào Trường Nữ Thánh Anna, biến cơ sở này thành trụ sở làm việc khiến Hội Dòng bức xúc, viết đơn khiếu nại lên chính quyền các cấp nhưng không thay đổi được sự việc.

Từ ngày 17.2.2012, Hội Dòng chính thức gửi đơn khiếu nại UBND quận 2, yêu cầu bồi thường nếu Nhà nước giải tỏa các trường học của Hội dòng.

Ngày 28.7.2012, UBND quận 2 mời đại diện Hội Dòng đến trao đổi và thuyết phục nữ tu Lê Thị Thảo (Tổng Phụ trách Hội dòng từ năm 2007- 2015) “cam kết không xin lại 3 trường học đã hiến cho nhà nước và đề nghị [Hội dòng trình bày] mức hỗ trợ tài chính cụ thể để UBND quận xem xét giải quyết” (văn bản 266/TB-VP của UBND quận 2 ngày 30.7.2012).

Trường Nữ Thánh Annn (1957). Ảnh: TL

Trường Nữ Thánh Annn (1957)  có một thời gian trở thành UBND phường Thủ Thiêm. Ảnh: TL

Đây là cơ sở để Hội Dòng viết đơn xin cấp một mảnh đất diện tích 4.000m2, tương đương với diện tích ba ngôi trường nêu trên, để xây nhà hưu dưỡng cho các nữ tu. Đại diện chính quyền trả lời rằng Nhà nước không thể đáp ứng được nhu cầu cấp đất, mà chỉ có thể hỗ trợ tài chính. Ngày 4.12.2012, Hội Dòng viết đơn xin Nhà nước hỗ trợ 50 tỉ đồng nhưng sau ba năm chờ đợi, Hội Dòng vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ để đổi lấy ba ngôi trường.

Ngày 19.10.2015, Hội Dòng gởi đơn khiếu nại lên cấp cao hơn là UBND TP.HCM, yêu cầu Nhà nước hoàn trả ba trường học hoặc bồi thường thỏa đáng.

Trong quá trình trao đổi với chính quyền và gởi đơn thư khiếu nại, Hội Dòng luôn yêu cầu Nhà nước giữ nguyên hiện trạng cho đến khi đôi bên đạt được thỏa thuận. Nhưng UBND quận 2 vẫn tiến hành giải phóng mặt bằng. Lần 1, Trường Nam Thủ Thiêm bị tháo dỡ ngày 15.11.2012. Các nữ tu không kịp ngăn cản nên ngôi trường hơn trăm năm tuổi bị san bằng. Lần 2 (22.10.2015), khi các phương tiện cơ giới chuẩn bị tháo dỡ Trường Nữ Thánh Anna thì các nữ tu kịp thời can ngăn. Ngôi trường được giữ nguyên hiện trạng. Theo kiến nghị của các nữ tu, UBND Quận 2 ngày 24.10.2015 ban hành văn bản số 4600, trích: “Theo kiến nghị của Hội Dòng, Uỷ ban Nhân dân quận 2 tạm dừng tháo dỡ, sẽ tiếp tục tiến hành khi đơn của Hội Dòng được cấp thẩm quyền trả lời theo quy định, việc tiến hành tháo dỡ sẽ được thông báo công khai”.
Cây me chứng tích lịch sử từ ngày đầu Hội Dòng được thành lập. Ảnh: Trung Dũng

Năm 2017, Hội Dòng đã có một số buổi làm việc với lãnh đạo UBND quận 2. Tại buổi làm việc ngày 31.5, Hội Dòng đề nghị hai phương án để Nhà nước lựa chọn nếu giải tỏa ba ngôi trường có diện tích khoảng 4.000m2. Hoặc hỗ trợ Hội Dòng khoản tiền 50 tỉ đồng, hoặc Nhà nước cấp cho Hội Dòng một mảnh đất khác có diện tích tương đương trên địa bàn quận 2 và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà hưu dưỡng cho các nữ tu. Tại buổi làm việc tiếp theo (22.7), Hội Dòng đề nghị thêm một phương thức mới. Theo đó, Nhà nước bồi thường phần đất trường học sẽ bị cắt làm đường giao thông, phần còn lại Hội Dòng lấy lại. Ngày 27.7, được sự đồng ý của Hội Dòng, cơ quan hữu trách tiến hành đo đạc ba ngôi trường và hứa sẽ hồi âm bằng văn bản.

Đến nay, Hội Dòng vẫn tiếp tục chờ đợi phản hồi từ phía Nhà nước.


Ông Võ Viết Thanh. Ảnh Tự Trung - Tuổi Trẻ
Nguyên chủ tịch TP.HCM, ông Võ Viết Thanh:

Chúng tôi đề xuất giữ lại ngôi chùa, nhà thờ, đình Thủ Thiêm...

Trong thời gian còn tại chức, ông Võ Viết Thanh - Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách quản lý đô thị, Quyền Chủ tịch UBND TP.HCM (giai đoạn 7.1996-8.1997), Phó bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP.HCM (8.1997-17.5.2001) - là người trực tiếp đi khảo sát, tìm hiểu tình hình Thủ Thiêm, ký tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng (1/5.000) khu đô thị mới và  trình bày trước Chính phủ về nội dung quy hoạch.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Võ Viết Thanh  cho biết: “Trong buổi trình bày quy hoạch Thủ Thiêm với Chính phủ, tôi nói rõ: quy hoạch phải đảm bảo tái định cư cho người dân trên nguyên tắc bằng hoặc hơn nơi ở cũ, ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống xã hội cho người dân, bao gồm cả sinh kế lẫn đời sống tâm linh.

Chúng tôi đề xuất giữ lại ngôi chùa, nhà thờ, đình Thủ Thiêm, nâng cấp khu chợ Thủ Thiêm và đường Lương Định Của, tạo điều kiện để người dân chỉnh trang nhà cửa, khu tái định cư được bố trí sát cạnh khu trung tâm mới.

Làm được như vậy, người dân Thủ Thiêm sẽ được sống ổn định, được chứng kiến khu đô thị mới làm đổi thay quê hương mình. Như vậy, hồn của mảnh đất Thủ Thiêm sẽ được giữ lại với đất, với người.” (Theo Phạm Vũ – Tuổi Trẻ).

 

DiaOcOnline.vn theo http://nguoidothi.net.vn