Thời gian qua, tại một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị tại Hà Nội, tình trạng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 diễn ra khá phổ biến. Hậu quả của việc này làm phá vỡ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho việc “hợp thức” vi phạm về xây dựng.
Theo đó, ngày 22/11/2017, Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Nguyễn Văn Thanh đã ký ban hành Thông báo Kết luận Thanh tra số 2923/TB-TTCP về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123/2001/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội giai đoạn từ 2002 đến 2014.
Trước đó công trình 5 tầng và toàn bộ tầng 31 thi công không có GPXD của Dự án khu nhà ở hỗn hợp giành một phần để bán cho CBCS Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH-C14 đã bị đình chỉ, xử phạt và yêu cầu cường chế phá dỡ (ảnh Hải Nguyên).
|
Thông báo kết luận Thanh tra nêu rõ: “Công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, bất cấp như: về chất lượng quy hoạch yếu, các bước lập quy hoạch chưa phù hợp một số chỉ tiêu, phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần, dẫn đến thay đổi về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, mang tính tự phát, thiếu căn cứ khoa học cũng như thực tiễn”.
Tình trạng “tùy tiện” phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đã tạo ra cơ chế xin-cho, ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương, và đã phá vỡ quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đơn cử như công trình xây dựng 5 tầng không phép của Cty CP Xây dựng và thương mại Bắc Hà là Chủ đầu tư tại Dự án khu nhà ở hỗn hợp giành một phần để bán cho CBCS Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH-C14 (Bộ Công an) tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Theo đó, sau khi xây dựng tòa nhà chính của chung cư, Chủ đầu tư dự án đã “tiện tay” xây thêm một tòa nhà 5 tầng không có trong phê duyệt quy hoạch 1/500 tại sân khuôn viên dự án và xây dựng thêm tầng 31 tại tòa nhà chính chung cư không GPXD.
Ngày 12/10/2015, Đội Thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm số 167/BB-VPHC. Nội dung biên bản thể hiện: Xây dựng sai quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt; hiện trạng công trình đã xây xong phần thô diện tích xây dựng 270 m2x5,5 tầng=1485m2. Tại biên bản kiểm tra hiện trạng ngày 02/12/2016 của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội có ghi rõ, tại vị trí ô đất số 5 của dự án chủ đầu tư đã xây dựng công trình nhà 5 tầng có tum.
Về sai phạm của công ty này, ngày 16/10/2015 UBND quận Nam Từ Liên ra văn bản số 4640/QĐ-XPVPHC Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty CP Xây dựng và thương mại Bắc Hà (địa chỉ: số 29 ngõ 106, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) vì hành vi vi phạm hành chính: Tổ chức thi công xây dựng công trình sai quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn phép xây dựng, vi phạm điểm b khoản 7 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ. Hình thức xử phạt hành chính là phạt 50 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là Cty CP Xây dựng và thương mại Bắc Hà có trách nhiệm chủ động liên hệ và làm việc với các Sở, ngành liên quan để được hướng dẫn và thực hiện theo đúng quy định.
Được biết, ngày 13/1/2016 Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã có công văn chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc dự án khu nhà ở hỗn hợp và một phần làm nhà ở để bán cho cán bộ chiến sỹ Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14-Bộ Công an) với các nội dung chính như sau: Tầng 1 đến 5: Chức năng văn phòng làm việc; diện tích sàn 267m2/tầng; Tầng 1 cao 3,9m; Tầng 2-5 cao 3,6m/tầng. Tầng tum có chức năng kỹ thuật. Bổ sung công trình cao 5 tầng và 1 tum. Chiều cao từ cốt vỉa hè đến đỉnh mái tum thang kỹ thuật là 22,35m.
Về công trình Dự án bãi đỗ xe tĩnh
Cũng tại quận Nam Từ Liêm, công trình không có giấy phép tại Dự án bãi đỗ xe tĩnh, tại số 499 đường Lương Thế Vinh – phường Mễ Trì của Cty CP Mai Linh Đông Đô được cơ quan chức năng “tuýt còi” lập biên bản, ra quyết định xử phạt.
Được biết, Dự án bãi đỗ xe tĩnh của Cty CP Mai Linh Đông Đô đã được thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2009, sau khi được phê duyệt, Cty đã tiến hành xây dựng nhà điều hành không có GPXD. Chỉ đến khi một tòa nhà 06 tầng cùng xưởng sửa chữa và hệ thống bãi đỗ xe bê tông kiên cố mọc lên kiên cố tại đây thì sự việc mới bị bại lộ.
Công trình xây dựng này cũng bị “lọt lưới” khi xây dựng đến 6 tầng không có GPXD (ảnh Hải Nguyên)
|
Ngày 21/1/2015, UBND quận Nam Từ Liêm đã ra Quyết định số 194/QĐ – XPVPHC xử phạt Cty CP Mai Linh Đông Đô về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Phạt số tiền 50.000.000 triệu đồng, yêu cầu Cty CP Mai Linh Đông Đô phải xin giấy phép theo quy định, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày UBND phường Mễ Trì ban hành Quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm ngày 13/1/2015, Chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng thì bị cưỡng chế tháo dỡ.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2017, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã có văn bản chấp thuận quy hoạch điều chỉnh dự án. Việc ra văn bản chấp thuận cho dự án này không khác gì việc “hợp thức hóa việc cấp giấy phép xây dựng” cho một công trình vi phạm trật tự xây dựng quy mô lớn?
Căn cứ tại Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã quy định về việc Điều chỉnh đối với một lô đất trong khu vực quy hoạch như sau:
1. Trong trường hợp cần phải điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc công trình riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào Quy chuẩn về quy hoạch đô thị;, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị hoặc khu vực, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị để quyết định việc điều chỉnh thông qua việc cấp giấy phép quy hoạch theo quy định tại Điều 71 của Luật này.
2. Việc điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của lô đất phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tính chất, không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường và khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị và khu vực.
Như vậy “cái gọi là” thỏa thuận tổng mặt bằng mà lâu nay Sở Quy hoạch-Kiến trúc vẫn làm để “hợp thức hóa” các sai phạm là trái với Điều 52 mà pháp luật đã quy định về điều chỉnh quy hoạch.
Mặc dù hai công trình này trong số hàng trăm công trình khác tại thành phố Hà Nội được chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng 1/500 để “hợp thức hóa vi phạm”. Việc “tùy tiện” điều chỉnh quy hoạch 1/500 mà không hề được điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội đã góp phần phá vỡ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt.
Ngoài ra cũng cần phải lưu ý việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của Chủ đầu tư đối với phần diện tích thay đổi do điều chỉnh quy hoạch gây ra, để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. UBND thành phố Hà Nội cần kiểm tra, xử lý trách nhiệm những tổ chức cá nhân đã điều chỉnh quy hoạch trái pháp luật.
DiaOcOnline.vn theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: