Top

Quy hoạch đô thị vừa thiếu, vừa yếu

Cập nhật 10/06/2013 13:43

Thiếu quy hoạch đô thị, hoặc có quy hoạch tầm nhìn quá ngắn đã không giải quyết được những bức xúc trong quản lý đô thị như, vấn đề ngập lụt ở Hà Nội, triều cường ở TP. Hồ Chí Minh hay nạn tắc đường, ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở hầu khắp đô thị Việt.

Quy hoạch đô thị ở nước ta hiện nay chưa gắn với quy hoạch về môi trường và các công trình phụ cận. Ảnh: Hoàng Long

Phát triển theo chiều rộng, quên chiều sâu

Hơn 20 năm Đổi mới, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, trong đó phải nói tới việc phát triển với tốc độ chóng mặt của các đô thị. Hiện Việt Nam có 765 đô thị các loại, đó là một con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là mới chỉ thấy các đô thị này phát triển theo chiều rộng mà thiếu chiều sâu. Các đô thị ở Việt vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xã hội hóa nhà ở cho mọi đối tượng. Hệ thống các đô thị trung tâm chưa hình thành đều khắp các vùng. Đa phần dân số đô thị tập trung tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nên dẫn đến tình trạng quá tải, ô nhiễm đối với các đô thị lớn này.

Ts. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đô thị Việt mới đông về số lượng nhưng yếu tố chất lượng lại thiếu thốn nghiêm trọng. Thiếu các không gian sinh hoạt công cộng, thiếu hạ tầng, cây xanh, mặt nước bị lấn dần… Theo ông Liêm các đô thị hiện nay đang được phát triển theo hướng trải rộng, mở theo hướng tăng về quy mô diện tích mà không chú trọng việc làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng trên phần diện tích đang có.

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, hầu hết các đô thị chỉ mải miết phát triển theo chiều rộng mà không hề quan tâm đến chiều sâu. Đâu đâu cũng tăng tốc để đô thị hóa thật nhanh chóng. Tuy nhiên, một đô thị chất lượng không phải ở việc đô thị đó lấy đi bao nhiêu đất nông nghiệp để bê tông hóa mà quan trọng là có thực sự giải quyết tốt tất cả những vấn đề của đô thị đó hay không? Thế nhưng, trên thực tế, quy hoạch đô thị ở nước ta hiện nay không gắn với quy hoạch về môi trường và các công trình phụ cận. Thế nên mới xảy ra tình trạng có khu công nghiệp nhưng không có nhà ở cho công nhân, bệnh xá, trường học, nhà giữ trẻ. Có khu dân cư nhưng không xây dựng công trình giao thông, điện nước, bãi giữ xe, câu lạc bộ, công viên, cây xanh… Đây là vấn đề đã được nhìn nhận nhưng không phải đô thị nào cũng tìm được giải pháp xử lý.

Nhiều chuyên gia về đô thị đều cho rằng: điểm yếu của đô thị Việt Nam hiện nay là thiếu bản sắc, chính quyền còn thiếu chuyên nghiệp và kinh tế phát triển chưa hài hòa. Nguyên nhân chung của những điểm yếu này đều nằm ở công tác quy hoạch đô thị.

Vẫn…chờ thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Theo các chuyên gia xây dựng, để hướng tới việc phát triển đô thị hiện đại và mang bản sắc riêng, điều quan trọng nhất vẫn là vai trò của chính quyền đô thị. Trong những năm gần đây, khái niệm chính quyền đô thị đã được nhắc đến nhiều nhưng trên thực tế cho đến nay vẫn chưa tìm được mô hình thích hợp cho quản lý tốt đô thị.

GS Nguyễn Lân, nguyên KTS trưởng TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội đô thị Việt Nam cho rằng: Đến thời điểm hiện tại mới có TP Hồ Chí Minh vừa được phép thí điểm chính quyền đô thị, nhưng quá trình triển khai vẫn quá chậm do thiếu những định hướng cụ thể. Ngay cả việc TP này có dứt bỏ mô hình quản lý cũ, chọn mô hình "thị trưởng” để có thể tự chịu trách nhiệm, tự quyết những vấn đề của địa phương mình hay không câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ. Theo ông Lân, nếu lựa chọn mô hình thị trưởng hay có gọi một cái tên khác đi cũng không quan trọng. Nhưng rõ ràng đô thị đó phải đề cao vai trò cá nhân của người lãnh đạo đô thị. Nếu vẫn quản lý theo mô hình cũ kiểu, Chủ tịch UBND quyết một vấn đề gì đó thì luôn đồng nghĩa có một Ủy ban, một tập thể đính kèm. Chỉ khi nào vai trò cá nhân được khẳng định và có một tập thể hỗ trợ thì lúc bấy giờ đô thị mới có thể phát triển đúng nghĩa.

Đồng quan điểm với GS Nguyễn Lân, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, cơ cấu của chính quyền đô thị hiện nay rất cồng kềnh, tốn kém, làm chậm quá trình ra quyết định trong bối cảnh đô thị vận hành với tốc độ ngày càng nhanh. Mặt khác, thể chế hành chính hiện nay thiên về chịu trách nhiệm tập thể, không thể khuyến khích trách nhiệm giải trình. "Quản lý chính quyền địa phương của Việt Nam hiện nay cứ dàn hàng ngang, các địa phương đều "mặc chung một cái áo” thì rất khó phát triển. Do đó, phải tùy thuộc vào từng đô thị để có mô quản lý hình hành chính cho phù hợp”, ông Liêm nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết