Hộ gia đình, cá nhân khó khăn về tài chính, có nguyện vọng thì sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập, nên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định này.
Quy định ghi nợ tiền sử dụng đất đã nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Ảnh minh họa
Có chuyện lợi dụng chính sách
Trong thời gian qua, các hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính nếu có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên Giấy chứng nhận QSD đất.
Thủ tục để được ghi nợ tiền sử dụng đất rất đơn giản, đó là chỉ cần có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư nộp về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở hồ sơ địa chính, cơ quan thuế sẽ xác định số tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định và lập hồ sơ theo dõi nợ tiền sử dụng đất. Sau đó, căn cứ vào số tiền sử dụng đất do cơ quan thuế xác định, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trình UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, trong đó có ghi nợ số tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận.
Theo quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 (Nghị định 45), người sử dụng đất được trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thanh toán nợ trước hạn thì được hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn.
Trước đây, để được ghi nợ, người dân phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình trạng khó khăn tài chính. Tuy nhiên, quy định này đã nảy sinh thủ tục hành chính rườm rà và sau đó đã bỏ.
Theo Bộ Tài chính, đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất chính là cam kết của hộ gia đình, cá nhân về tình hình khó khăn tài chính và hộ gia đình, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về cam kết này nên pháp luật không quy định tiêu chí để xác định khó khăn về tài chính và không quy định phải có xác nhận của chính quyền địa phương.
Vì các điều kiện để được hưởng chính sách nợ tiền sử dụng đất rất đơn giản, dễ dàng như trên nên đã dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách. Dễ thấy nhất là nhiều hộ gia đình, cá nhân không khó khăn nhưng vẫn làm đơn xin được nợ tiền sử dụng đất.
Mặt khác, theo quy định, người ghi nợ tiền sử dụng đất nếu thanh toán nợ trước hạn sẽ được hỗ trợ giảm 2% mỗi năm (tổng cộng 5 năm lên tới 10%). Ngược lại, những người nộp ngay tiền sử dụng đất lại không được hưởng ưu đãi gì. Việc người “nợ” lại được lợi hơn nộp tiền ngay đã dẫn đến sự mất công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.
Vì vậy, đã có những trường hợp người nộp tiền ghi nợ ít ngày, sau đó mới nộp tiền và được hưởng trọn 10% số tiền hỗ trợ. Với số tiền phải nộp lên tới hàng tỷ đồng thì những người này đã được lợi không nhỏ.
Đặc biệt là có cả những trường hợp cán bộ thuế còn tư vấn cho người dân ghi nợ tiền sử dụng đất để hưởng lợi từ quy định này. Còn cơ quan chức năng dù biết người xin nợ để “trục lợi” chính sách nhưng không thể cấm được vì luật cho phép.
Đến đây, từ một chủ trương đúng đắn, nhân văn để hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước khi áp dụng vào thực tế cuộc sống thì bộc lộ những “lỗ hổng” nghiêm trọng.
Siết chặt các quy định
Bộ Tài chính cho biết, Bộ cũng đã nhận ra bất cập này và đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ bổ sung, sửa đổi Điều 16 của Nghị định 45.
Vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 16 của Nghị định 45.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, cơ quan; trong đó, cần lưu ý một số nội dung về đối tượng được ghi nợ như đối với các trường hợp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, các trường hợp gia đình chính sách...
Bên cạnh đó, việc xác định mức tiền sử dụng đất được ghi nợ phải làm rõ những hình thức hỗ trợ được khấu trừ và không được khấu trừ.
Về trình tự, thủ tục ghi nợ và thanh toán nợ tiền sử dụng đất, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Tư pháp theo hướng thuận tiện, đơn giản thủ tục cho người dân, đồng thời đảm bảo tính công bằng của pháp luật.
DiaOcOnline.vn – Theo Công luận
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: