Top

Qui hoạch đô thị: Thiếu trách nhiệm, chủ quan

Cập nhật 07/10/2007 13:00

Đó là nhận định của GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, người đã nhiều năm nghiên cứu và có kinh nghiệm thực tế về công tác qui hoạch.

Trao đổi với báo giới, ông Đặng Hùng Võ nói:

- Ở nước ta hiện nay qui hoạch xây dựng đô thị thường được thành lập trước, rồi sau đó mới xây dựng và xét duyệt qui hoạch sử dụng đất. Điều đó nói lên việc đi vào chi tiết trước khi có một cân đối vĩ mô về sử dụng đất gắn với phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Gây bức xúc cho dân

* Nhưng ngay cả việc "đi vào chi tiết trước khi cân đối vĩ mô”, thì chi tiết ấy cũng chưa cụ thể hoặc nếu có cũng chưa đồng bộ, không thống nhất?

- Chúng ta đã có các qui chuẩn cần thiết cho đô thị nhưng chưa đủ. Ví dụ, ai cũng thấy nhà siêu mỏng với độ sâu chưa đầy 1m mà cao đến năm, bảy tầng ở mặt phố trên các con đường mới xây dựng theo qui hoạch là rất vô lý, thậm chí là rất nguy hiểm khi có động đất nhẹ. Nhưng những "cột bêtông" ấy vẫn đang tồn tại rất ngạo nghễ và đầy thách thức. Người ta đổ lỗi rằng qui chuẩn về việc này chưa có nên không xử lý được. Điều này đúng và cũng không đúng. Khi xét duyệt qui hoạch, người quản lý phải biết là sẽ xảy ra tình trạng này, nếu chưa có qui chuẩn thì phải bổ sung ngay.

Câu hỏi ở đây là vì sao không bổ sung qui chuẩn? Câu trả lời ắt phải: một là thiếu trách nhiệm và hai là có tư lợi.

* Nếu chưa có qui hoạch chi tiết thì cơ quan quản lý không cấp phép xây dựng, không có phép thì các nhà đầu tư… bó tay ngồi chờ, dự án bị "treo".(?)

- Thật ra đây chính là tình trạng thiếu đồng bộ trong qui hoạch. Nhiều khi qui hoạch tổng thể đã có nhưng qui hoạch chi tiết lại chưa. Người dân bị động, bị dồn ép cuộc sống trong đợi chờ qui hoạch cụ thể. Nhà đầu tư có vốn, có dự án rồi vẫn phải chờ qui hoạch chi tiết. Tình trạng đó đã gây phiền hà và bức xúc nhiều lắm trong cả doanh nghiệp lẫn người dân.

* Theo ông, đó là hậu quả của cách quản lý kiểu gì?

- Đó là hậu quả của bốn cơ chế chưa tốt: một là hệ thống pháp luật qui định về qui hoạch chưa tốt, còn chồng chéo giữa các loại qui hoạch, chưa có tiêu chuẩn hợp lý để đánh giá hiệu quả của qui hoạch; hai là chúng ta chưa đủ chuyên gia giỏi về qui hoạch và cũng chưa dám chi tiền để thuê chuyên gia giỏi; ba là yếu tố chủ quan của lãnh đạo còn nhiều mà chưa bảo đảm tính khách quan thật sự; bốn là yếu tố công khai, khả năng tiếp nhận ý kiến đóng góp khi xây dựng qui hoạch và phê duyệt qui hoạch yếu.

   "Giật gấu vá vai"

* Đi vào chuyện cụ thể ở TP.HCM, công tác thiết kế đô thị mới chỉ được triển khai nghiên cứu trên một số khu vực trung tâm nội thành (quận 1, quận 3), hoặc ở một số dự án đầu tư các khu đô thị mới. Trong khi thiết kế đô thị các khu trung tâm cấp TP, cấp khu vực, các trục đường chính rất cần thiết thì chưa triển khai.(?)

- Đó là hậu quả do thiếu tính tổng hợp, thiếu tính đồng bộ trong hệ thống qui hoạch. Hệ quả là TP.HCM sẽ tiếp tục với tình trạng "giật gấu vá vai" trong quá trình đầu tư phát triển.

* TP.HCM là đô thị đặc biệt, mà qui chuẩn xây dựng đã ban hành chỉ xác định chỉ tiêu đất dân dụng và đất ở cho đô thị từ loại 6 đến loại 1. Theo ông, liệu đây có phải là trở ngại cho sự phát triển của TP.HCM?

- Tôi cho là cần có qui chuẩn riêng cho hai đô thị lớn mang tính trung tâm quốc gia, hướng tới trung tâm khu vực là Hà Nội và TP.HCM. Đây là hai đô thị cấp đặc biệt, có vị trí đặc biệt cả về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa. Qui chuẩn xây dựng, kiến trúc cho hai thành phố này phải thể hiện được tính đặc biệt đó và thể hiện được lộ trình phát triển cho tương lai.

* Liên tục trong những năm gần đây, luật pháp liên quan đến đô thị được ban hành nhưng "bi kịch" ở chỗ giữa các luật này có nhiều điểm chồng chéo, bất cập, mâu thuẫn?

- Tình trạng chồng chéo, bất cập, mâu thuẫn giữa các luật có liên quan đến qui hoạch và đầu tư xây dựng còn nhiều, thậm chí có cả khoảng hở mà chẳng luật nào nói đến. Sự chồng chéo, bất cập giữa các qui định pháp luật này còn thể hiện ở hệ thống đăng ký đất đai và bất động sản, trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng, trình tự thẩm định nhu cầu sử dụng đất trong quá trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, quyền sử dụng đất đối với nhà chung cư.

* Theo ông, giải pháp nào để công tác qui hoạch xây dựng đô thị khả thi hơn, đồng bộ hơn?

- Trước hết, cần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Thứ hai, cần hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn, qui trình về qui hoạch, về xây dựng sao cho đầy đủ, rõ ràng, công khai. Thứ ba, tăng cường chất lượng các loại qui hoạch, tận dụng được các chuyên gia giỏi, thành tâm thu nhận ý kiến đóng góp của cộng đồng.

 Thứ tư, cần có qui định cụ thể về qui trình lập, điều chỉnh, thẩm định, trình, xét duyệt, giám sát triển khai, xử lý sao cho mọi việc được khách quan, giảm nhiều nhất sự áp đặt chủ quan của lãnh đạo. Thứ năm, mọi sai phạm về qui hoạch của cả người quản lý và người thực hiện phải được xử lý nghiêm kèm theo trách nhiệm về vật chất nếu để xảy ra thiệt hại cho Nhà nước, cho cộng đồng cũng như cho người dân.

Không được để "riêng tư” xen vào

Qui hoạch là một việc rất khó, đòi hỏi một giải pháp tổng hợp cao và tính khách quan thật sự, không được lồng bất kỳ quyền lợi riêng tư vào phương án. Tôi chưa thấy bất kỳ phương án qui hoạch nào tính toán tới giá đất trong tương lai để hỗ trợ việc điều chỉnh giá đất về mức cần thiết. Vẫn còn nhiều ý kiến về con đường vạch ra trong qui hoạch cố tình lượn qua địa chỉ nhà "ông nọ, bà kia", nhiệm kỳ thay đổi thì qui hoạch thay đổi.

GSTS Đặng Hùng Võ


Theo Tuổi Trẻ