Top

Phường Phú Hữu quận 9 TPHCM có thêm hai khu dân cư

Cập nhật 28/02/2008 13:00

UBND quận 9 vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/2000 điều chỉnh, mở rộng khu dân cư phía đông đường Gò Cát và nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 khu dân cư phía Bắc đường cao tốc TPHCM – Long Thành. Cả hai dự án này đều tọa lạc tại phường Phú Hữu.

Khu dân cư phía đông Gò Cát: Đô thị nhà vườn

Khu dân cư có quy mô khoảng 127,45ha. Đây sẽ là khu đô thị chỉnh trang kết hợp phục vụ tái định cư, chức năng chính là khu ở đô thị nhà vườn.

Vị trí và giới hạn phạm vi quy hoạch của khu dân cư này: phía đông giáp khu dân cư thương mại Gò Trang, khu nhà ở Công ty TNHH Kim Sơn, khu Công nghiệp Phú Hữu; phía tây giáp đường Gò Cát và khu nhà ở cán bộ - giảng viên Đại học Quốc Gia; phía nam giáp khu Công nghiệp Phú Hữu và rạch Bà Cua; phía bắc giáp đường Nguyễn Duy Trinh.

Các chỉ tiêu quy hoạch-kiến trúc: Đất dân dụng có diện tích 110ha, đất ngoài dân dụng hơn 16ha. Dân số dự kiến từ 14.000-15.000 người, mật độ xây dựng chung 30%-35%, tầng cao xây dựng tối đa là 9 tầng, hệ số sử dụng đất từ 0,5-1 lần.

Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị, đối với đất ở: Các khu dân cư hiện hữu ổn định dọc đường Nguyễn Duy Trinh và đường Gò Cát được giữ lại cải tạo và chỉnh trang. Đất công trình công cộng sẽ bố trí tại vị trí trung tâm các khu dân cư, đảm bảo bán kính phục vụ phù hợp. Đất công viên cây xanh bố trí rải rác trong khu dân cư.

Giao thông: đường Nguyễn Duy Trinh và Gò Cát có lộ giới 30m. Sẽ bố trí hai tuyến giao thông chính khu vực có lộ giới 30m và 40m nhằm kết nối khu dân cư chỉnh trang phía bắc và khu dân cư xây dựng mới với khu công nghiệp Phú Hữu phía nam khu quy hoạch. Bố trí hai tuyến giao thông có lộ giới 20m và 16m có nhiệm vụ liên kết các nhóm nhà ở và phân chia bố cục các công trình công cộng phúc lợi.

Giao thông đối nội tổ chức theo dạng ô cờ, khoảng cách giữa các điểm giao nhau từ 200m-300m. Cải tạo và nạo vét rạch Bà Cua và đào mới tuyến kênh phía nam khu quy hoạch để có thể tổ chức giao thông thủy và tiêu thoát nước cho khu vực.

Khu dân cư phía bắc đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: Nhà ở liên kế là chủ yếu

Khu có diện tích khoảng 137ha, phía đông giáp đường Vành Đai phía đông, phía tây giáp đường Đỗ Xuân Hợp và rạch ông Cày, phía nam giáp đường Nguyễn Duy Trinh và phía bắc giáp rạch Đất Sét. Tính chất, chức năng chính của khu vực là khu đô thị chỉnh trang và xây dựng mới với dạng nhà ở chủ yếu là nhà ở (liên kế, biệt thự có sân vườn) và nhà ở chung cư.

Chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Đất dân dụng chiếm khoảng 115ha và đất ngoài dân dụng gần 22ha. Dân số dự kiến 12.000 người, mật độ xây dựng 30%-35%, tầng cao xây dựng tối đa 15 tầng, hệ số sử dụng đất £ 2 lần. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị: khu dân cư hiện hữu ổn định sẽ nằm ở phía nam đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Các khu dân cư xây dựng mới sẽ bố trí ở phía bắc đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Các công trình công cộng sẽ bố trí tại vị trí trung tâm các khu dân cư, đảm bảo bán kính phục vụ phù hợp. Các mảnh xanh sẽ nằm rải rác trong các khu dân cư, kết hợp với công trình công cộng tạo thành khu trung tâm nhóm ở.

Giao thông sẽ quy hoạch các tuyến đường quan trọng: đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây lộ giới 140m, Vành đai Trong (vành đai phía Đông) lộ giới 67m, đường Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp, đường Liên Phường đều có lộ giới 30m.

Nút giao thông quan trọng trong khu vực là nút giao cắt giữa đường Vành Đai Trong (vành đai phía đông) và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, giai đoạn đầu cùng cốt, giai đoạn sau khác cốt.

Cũng giống như khu dân cư phía đông đường Gò Cát, giao thông đối nội được tổ chức theo dạng ô cờ, khoảng cách giữa các điểm giao nhau 200m-300m, chủ yếu dựa vào các tuyến giao thông hiện hữu trong khu vực. Tổ chức các bến xe và bãi đậu xe quy mô nhỏ

Theo Sài Gòn Giải Phóng