Top

Quyết định mới về bồi thường, tái định cư:

Phải đồng thuận cao mới ban hành

Cập nhật 24/04/2010 11:10

Sau khi lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM về dự thảo Quyết định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn, Sở Tài chính vừa có văn bản trả lời các ý kiến đóng góp của đại biểu và liên sở (Tài chính, Xây dựng và Tài nguyên - Môi trường) đã có tờ trình UBND TPHCM về các vấn đề liên quan.

Thu hẹp đối tượng được chuyển đổi nghề nghiệp

Về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, với ý kiến cho rằng không nên thu hẹp đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp vì UBNDTP đã ban hành Quyết định 156 thành lập Quỹ Hỗ trợ nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho các hộ dân bị thu hồi toàn bộ đất để thực hiện các dự án đầu tư. Hơn nữa, việc tạo cơ hội cho con em người có đất bị thu hồi chuyển đổi nghề nghiệp là rất cần thiết.

Liên sở trả lời, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường, đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn ao không được công nhận là đất ở khi bị thu hồi, thì ngoài việc bồi thường, người dân chỉ được hỗ trợ theo % giá đất ở, chứ không được tính hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm. Chỉ có hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường, thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền mới được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm.

Riêng về đất nông nghiệp theo giá thị trường để tính bồi thường theo cùng mục đích sử dụng, Sở Tài chính sẽ có văn bản xin ý kiến hướng dẫn thêm của Bộ Tài chính.

Về giá đất ở để tính hỗ trợ đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không công nhận là đất ở, theo quy định của NĐ 69/CP về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và TĐC chỉ quy định ngoài việc bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, người dân được hỗ trợ từ 30%-70% giá đất ở của thửa đất đó. Như vậy theo quy định như trên thì chưa quy định cụ thể giá đất ở để tính trong trường hợp này là giá đất được ban hành hàng năm hay giá thị trường trong điều kiện bình thường.

Sau khi xin ý kiến của Bộ TN-MT, Liên Sở đề nghị mức hỗ trợ đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở bằng 40% đơn giá đất ở để tính bồi thường của thửa đất đó.


Để có một đại lộ Đông - Tây như thế này, nhiều người dân phải chấp nhận giải tỏa. Ảnh: Cao Thăng

Không được bồi thường

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo: Nội dung quyết định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP, không chỉ tác động nhiều mặt đến cuộc sống đông đảo người dân TP mà còn tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Chính vì thế, phải tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội trước khi ban hành quyết định.
Một vấn đề được người dân rất quan tâm đó là thời điểm cuối cùng để tính hỗ trợ đối với nhà không đủ điều kiện bồi thường khi bị thu hồi đất. UBMTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị áp dụng từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành, ngày 1-7-2006. Tuy nhiên, theo Sở Tài chính, đối với nhà, vật kiến trúc trên đất không đủ điều kiện được bồi thường và sử dụng từ ngày 15-10-1993 (Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực) trở về sau như đất có nguồn gốc lấn chiếm, vi phạm hành làng an toàn kỹ thuật thì không được bồi thường.

UBNDTP cũng đã ban hành Chỉ thị 08 ngày 22-4-2002 về chấn chỉnh và tăng cường quản lý nhà nước. Theo đó, TP nghiêm cấm việc lấn chiếm đất và xây dựng trái phép trên địa bàn TP. Do đó, với quy định nhà đất xây dựng trái phép sau ngày 22-4-2002 sẽ không được bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất là phù hợp.

Riêng ý kiến cho rằng suất TĐC tối thiểu để tính hỗ trợ tại TPHCM phải cao hơn suất TĐC tối thiểu được quy định vì TPHCM có mức sống cao hơn các tỉnh khác. Sở Tài chính cho rằng, thực tế trên địa bàn TP có rất nhiều nhà ở trên kênh rạch và nhiều khu nhà lụp xụp có diện tích nhỏ (từ 2m² đến dưới 20m²). Nếu quy định suất TĐC tối thiểu cao hơn quy định thì sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện chỉnh trang đô thị.

NĐ 69/CP quy định, đối với các hộ gia đình khi nhận đất, nhà TĐC có số tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn một suất TĐC tối thiểu sẽ được hỗ trợ khoản chênh lệch đó. Trường hợp không nhận nhà, đất TĐC thì sẽ được hỗ trợ số tiền tương đương với khoản chênh lệch đó. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định nào quy định cụ thể suất TĐC tối thiểu để tính hỗ trợ. Từ đó, Sở Tài chính cũng kiến nghị suất TĐC tối thiểu là 30m²/hộ (đối với nhà) và 40m²/hộ (đối với nền đất). Phần chênh lệch lớn hơn nếu có người dân phải thanh toán tiền theo quy định.

Với những vấn đề như: quy định cụ thể như thế nào là lỗi của nhà nước, như thế nào là lỗi của người bị thu hồi đối với những dự án chậm chi trả bồi thường (thực tế TPHCM có những dự án “treo” trên chục năm do vướng bồi thường - PV), Chính phủ chưa quy định. Ban soạn thảo tiếp thu đóng góp của đại biểu. Đồng thời sẽ tổng hợp các vướng mắc trong thực tiễn để báo cáo với UBND TP trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung để có cơ sở thực hiện.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng