Trong báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng sân bay Long Thành, có ít nhất 2 tuyến đường lớn được bổ sung vào dự án, 1 tuyến 10 làn xe chạy chính kết nối với Quốc lộ 51, 1 tuyến 4 làn xe kết nối với cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm cũng chạy qua đây…
Mô hình tuyến đường số 1 và số 2 cùng các nút giao được bổ sung trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Thêm 2 tuyến đường bộ trị giá 4.800 tỷ
Theo tờ trình của Chính phủ, trong quá trình nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Tư vấn đã đề xuất các tuyến giao thông kết nối với hệ thống giao thông khu vực xung quanh, trước mắt sẽ đầu tư 2 tuyến đường bộ trong giai đoạn 1 (đến năm 2025).
Cụ thể, tuyến số 1 (dài 3,8 km), kết nối trục chính Cảng (đầu phía Tây) với Quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Việc thực hiện giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh (10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành), bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85-120 m.
Tuyến số 2 (dài 3,5 km), kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Hai tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác sân bay Long Thành. Tuyến số 1 còn là đường công vụ chính để ra vào thi công giai đoạn 1 của dự án. Theo Chính phủ, tuyến đường này cần được bố trí vốn kịp thời để triển khai sớm.
Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào dự án sân bay Long Thành và giao Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư.
Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng (chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỷ đồng), với diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha.
Ngoài 2 tuyến đường này, các tuyến kết nối khác cũng đã được nghiên cứu đầu tư ở các giai đoạn tiếp theo. Chẳng hạn, tuyến số 3 (dài 8,5 km), sẽ được triển khai vào giai đoạn 2 của dự án (đến năm 2030). Tuyến này kết nối trục chính Cảng hàng không (đầu phía Đông) với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Quy mô mặt cắt ngang gồm 8 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng thay đổi từ 85-115 m.
Chính phủ cũng dự kiến, đến năm 2040 (khi công suất của sân bay đạt 75 triệu khách/năm) thì các tuyến kết nốt giữa 3 tuyến đường bộ số 1, số 2, số 3 sẽ được xây dựng theo quy mô hoàn chỉnh.
Các tuyến đường sắt kết nối với sân bay Long Thành, theo dự tính của Chính phủ sẽ gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành. Hai tuyến này được thiết kế chạy vào đường trục trung tâm sân bay và bố trí 1 nhà ga đường sắt tốc độ cao, 2 nhà ga đường sắt nhẹ kết nối thuận lợi với các nhà ga hành khách sân bay.
Mạng lưới đường mới kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Trong tương lai, có rất nhiều tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để đảm bảo tính kết nối, đồng bộ lâu dài, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn trong nước cập nhật dự báonhu cầu giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tới CHKQT Long Thành và nhu cầu giao thông từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay mới này nhằm đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch cũng như tiến trình đầu tư hệ thống giao thông đáp ứng sự phát triển của Long Thành từng giai đoạn.
Theo đó, đối với khu vực TPHCM, Bộ xác định đây là hướng kết nối quan trọng nhất, ước tính chiếm khoảng 68%-73% nhu cầu giao thông kết nối của sân bay Long Thành. Do đó, đề xuất kết nối bao gồm tuyến đường bộ theo quy hoạch hiện có, là đường cao tốc TPHCM - Long Thành; Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Đường tỉnh 25C.
Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đường bộ, gồm: điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ 8 làn lên 10-12 làn; bổ sung tuyến kết nối Liên vùng 04 (từ nút giao Gò Công - Quốc lộ 20). Tuyến này hình thành sẽ giảm bớt áp lực giao thông lên đường cao tốc TPHCM - Long Thành.
Bổ sung tuyến trên cao dọc theo Đường tỉnh 25C, vượt qua sông Đồng Nai, đi theo đường trục Bắc Nam, kết nối vào tuyến trên cao số 3, từ đó liên thông với toàn bộ hệ thống đường trên cao của TPHCM kết nối tới các khu vực quan trọng của TPHCM và sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến này ưu tiên chỉ kết nối riêng TPHCM với sân bay Long Thành.
Đường sắt theo quy hoạch hiện có hai tuyến, là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và tuyến đường sắt nhẹ nối sân bay Long Thành với Thủ Thiêm, TPHCM. Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo hướngkéo dài tuyến đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm, đi tiếp qua khu Thanh Đa sang đường Phạm Văn Đồng, đi dọc đường này kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.
Đối với khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ, hướng kết nối chính có đường cao tốc TPHCM - Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường tỉnh 25C.
Khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ có hướng kết nối chính qua đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Quốc lộ 1A. Trong khi hướng kết nối với khu vực các tỉnh Tây Nguyên là quađường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Quốc lộ 20, Quốc lộ 14; Đường vành đai 4 TPHCM, Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 .
Với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, hướng kết nối chính được thực hiện qua đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hay Quốc lộ 51, Đường vànhđai 3 TPHCM, Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, Đường cao tốc thành TPHCM - Chơn Thành; Đường vành đai 4 TPHCM, Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 hay Đường tỉnh 741.
Đối với tỉnh Tây Ninh, hướng kết nối chính qua đường cao tốc TPHCM - Long Thành, đường vành đai 2 TPHCM, Quốc lộ 22 hay cao tốc TPHCM- Mộc Bài - Xa Mát; Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hay Quốc lộ 51, đường vành đai 3 TPHCM, Quốc lộ 22 hay đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài - Xa Mát.
Hướng kết nối với tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu là qua cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; Quốc lộ 51; đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu.
Tiến trình đầu tư, theo đề xuất của của Bộ GTVT, sẽ căn cứ theo tiến trình đầu tư xây dựng của sân bay Long Thành. Theo đó, đến năm 2025 (Giai đoạn 1 của sân bay, công suất 25 triệu khách/năm) sẽ mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành từ 4 làn lên 8 làn theo quy hoạch hiện hữu; Hoàn thiện tuyến đường tỉnh 25C từ nút giao Quốc lộ 51 tới vị trí kết nối được với cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Đến năm 2030 (Giai đoạn 2, công suất 50 triệu khách/năm) sẽ xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch quy mô 4 làn xe; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu quy mô 4 làn xe; cầu Cát Lái và đường dẫn đầu cầu kéo dài tới Đưòng tỉnh 25c quy mô 8 làn xe.
Năm 2040 (khi công suất của sân bay Long Thành đạt 75 triệu khách/năm) sẽ xây dựng các tuyến: đường sắt tốc độ cao TPHCM - Nha Trang; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành; đường vành đai 4 quy mô 6-8 làn xe và đường liên vùng 04 (nút giao Gò Công - Quốc lộ 20) quy mô 4 làn xe.
Đến năm 2050 (giai đoạn 2 của sân bay Long Thành, công suất 100 triệu khách/năm) dự kiến tuyến kết nối đi riêng giữa Long Thành với trung tâm TPHCM và sân bay Tân Sơn Nhất quy mô 4 làn xe được xây dựng. Mở rộng các đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây quy mô 10-12 làn xe, cao tốc Bến Lức - Long Thành quy mô 6 làn xe, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu quy mô 6-8 làn xe.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: