Top

Đồng Nai: Khởi công xây dựng 2 khu tái định cư dự án sân bay Long Thành ngay trong năm 2019

Cập nhật 14/10/2019 08:15

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có thông cáo báo chí về việc giải ngân chậm nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án CHK quốc tế Long Thành.



Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến thời điểm này, tỉnh đã được Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) qua 2 đợt (năm 2018 và năm 2019) là 11.490 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, việc giải ngân nguồn vốn của dự án này đang chậm vì nhiều vướng mắc khác nhau. Các đơn vị được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư dự án chỉ mới giải ngân được hơn 123 tỷ đồng, đạt 1,07% tổng số vốn trung ương đã bố trí, chủ yếu chi phí thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ, thủ tục. Dự kiến, đến cuối năm 2019, các đơn vị sử dụng vốn sẽ tiếp tục giải ngân khoảng hơn 1.768,5 tỷ đồng, đạt 15,4% kế hoạch.

Đối với số vốn còn lại, UBND tỉnh sẽ tiếp tục giải ngân chi trả tiền bồi thường hỗ trợ cho 18 tổ chức, các hộ gia đình còn lại ưu tiên vị trí triển khai giai đoạn 1, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư và tái lập hạ tầng ngoài hàng rào dự án, tập trung trong năm 2020.

UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng xung quanh việc chậm giải ngân hơn 11 ngàn tỷ đồng nguồn vốn Trung ương bố trí là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là chủ yếu.

Cụ thể, ngày 20/7/2018, UBND tỉnh Đồng Nai có Tờ trình số 7648/TTr-UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong đó đề nghị phân kỳ nhu cầu vốn theo 4 năm. Đáng chú ý, UBND tỉnh Đồng Nai đã dự đoán năm đầu tiên, công tác giải ngân chỉ đạt khoảng 1.533 tỷ đồng, tập trung vào chi trả cho đất tổ chức (Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam) và các chi phí lập hồ sơ, thủ tục tái định cư.

Dự án sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6/11/2018 (cuối năm 2018) nên năm đầu tiên triển khai Dự án là năm 2019.

Theo UBND tỉnh, dự kiến đến cuối năm 2019, các đơn vị sử dụng vốn sẽ giải ngân được khoảng 1.768,5 tỷ đồng, tức là cao hơn con số mà Đồng Nai đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây.

Thông cáo báo chí của UBND tỉnh cũng cho biết, một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc giải ngân năm 2019 dù có rất nhiều nỗ lực nhưng chỉ đạt 15,4% kế hoạch là do Bộ Kế hoạch - đầu tư đã bố trí cho Đồng Nai năm đầu tiên 11.490 tỷ đồng là "quá cao so với nhu cầu vốn thực tế".

“Việc giải ngân nguồn vốn Trung ương đã bố trí có chậm nhưng do nguyên nhân khách quan và phải thực hiện đúng theo Luật đất đai (2013). UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án CHK Quốc tế Long Thành”, nội dung công văn nêu rõ.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác thu hồi đất hỗ trợ và tái định cư. Đến nay, đã bàn giao mặt bằng sạch xây dựng 2 khu tái định cư với diện tích khoảng 358ha, và đang thực hiện rà phá bom mìn để chuẩn bị khởi công cuối năm 2019. Hiện nay UBND tỉnh đang tập trung tối đa công tác kiểm kê, xác định nguồn gốc đất cho toàn bộ dự án và dự kiến hoàn thành trong năm 2019.

Riêng đối với các hộ gia đình, cá nhân sau khi đã khởi công xây dựng các khu tái định cư, song song đó cho các hộ dân bốc thăm tái định cư và phê duyệt đất cụ thể để bồi thường. Sau đó, tỉnh sẽ tập trung phê duyệt phương án bồi thường thuộc giai đoạn 1 trong quý I/2020 và các hộ dân còn lại trong năm 2020 đảm bảo diện tích mặt bằng sạch giai đoạn 1 với diện tích 1.810ha cho chủ đầu tư trước 30/10/2020 theo kế hoạch và giao toàn bộ diện tích 5.000ha trong quý I/2021.

Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ 18 tổ chức ngay trong năm 2019. Trong đó, có 8 doanh nghiệp trong đó diện tích đất lớn nhất của Tổng công ty cao su Đồng Nai hơn 1,8 ngàn ha, riêng diện tích thu hồi trước để thực hiện bàn giao cho chủ đầu tư khởi công xây dựng sân bay giai đoạn 1 là: 1.182 ha.

Các doanh nghiệp khác là: Công ty cổ phần Đồng Tân hơn 17 ha; Công ty cổ phần Hóa An hơn 31 ha; Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa gần 15 ha; Công ty TNHH xây dựng thương mại Hồng Phát gần 31 ha; Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đồng Nai gần 5 ha; Công ty công nghiệp thực phầm Đồng Nai hơn 19 ha; Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa 0,3 ha.

Có 3 cơ sở tôn giáo phải thu hồi đất là: chùa Bừu Lâm gần 11 ngàn m2; nhà thờ Thành Tâm gần 14 ngàn m2; nhà thờ Thành Đức 3.760m2. Ngoài ra còn 6 cơ quan, trụ sở cũng được thu hồi đất: UBND xã Suối Trầu (cũ), Trạm y tế xã Suối Trầu, Trường mầm non Suối Trầu, Trường tiểu học Suối Trầu, Trường THCS Suối Trầu và Trường tiểu học Cẩm Đường.

Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, để thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Đồng Nai đã điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã: Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn và giải thể xã Suối Trầu thuộc huyện Long Thành để sáp nhập vào xã Bình Sơn. Và các cán bộ địa chính xã Bình Sơn gặp khó khăn trong xác định nguồn gốc đất do chưa nắm chắc địa bàn quản lý, làm ảnh hưởng tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng sân bay.

DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống kinh tế