Top

Mỗi mét đất đai một vài bát phở

Cập nhật 04/06/2019 09:30

Khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án lớn, người dân có đất bị thu hồi thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, mất mát: diện tích bị thu hồi rất khó được bù đắp lại; phải rời khỏi nơi "cắt rốn chôn rau" và rủi ro về chuyển đổi sinh kế.

Những căn nhà bỏ hoang ở xã Suối Trầu (Long Thành, Đồng Nai), nơi đã không còn tên từ ngày 1-6 sau khi giải thể để phục vụ dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bài học kinh nghiệm từ các cuộc di dân tái định cư lớn trước đây như công trình thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác đền bù tái định cư đang được triển khai cho dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường cao tốc Bắc - Nam.

Mặc dù có một nguyên tắc luôn được đặt ra như phương châm cho các dự án di dân tái định cư là nơi ở mới phải có điều kiện sống tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ, nhưng trên thực tế luôn hết sức khó khăn để đáp ứng nguyên tắc này.

Mấy chục năm sau khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình phát điện vẫn còn thấy những thôn, bản leo lét đèn dầu ngay bên lòng hồ chứa hàng tỉ mét khối nước của "dòng sông ánh sáng".

Chẵn mười năm di dân tái định cư cho thủy điện Sơn La, mặc dù Nhà nước rất quan tâm và đầu tư rất nhiều tiền để ổn định cuộc sống hơn 20.000 hộ gia đình với khoảng 100.000 dân thuộc diện di dời, nhưng không phải nơi ở mới nào cũng đảm bảo cho người dân một tương lai ổn định.

Từ ngày 1-6, để "nhường" đất thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, cái tên "xã Suối Trầu" thân thương gắn với kỷ niệm khai hoang phục hóa xây dựng vùng kinh tế mới hơn bốn thập kỷ qua đã không còn nữa, do đơn vị hành chính này đã bị xóa tên.

Gần 1.400ha đất của xã Suối Trầu, trong tương lai không xa, sẽ trở thành một phần của sân bay lớn nhất VN.

Đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyện những cánh đồng, vườn cây, ruộng lúa, bản làng phải nhường chỗ cho sân bay, đường cao tốc, trung tâm thương mại, khu công nghiệp... chắc chắn không tránh khỏi.

Nhưng vấn đề lớn nhất đặt ra trong quá trình chuyển đổi này là các chính sách đền bù lợi ích phải đảm bảo an dân, phải giảm tới mức thấp nhất những thiệt thòi, mất mát của người dân.

Cách đây đúng 4 năm, các đại biểu Quốc hội đã "bấm nút" thông qua chủ trương đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Giao Chính phủ xây dựng phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân có đất thu hồi; quản lý và sử dụng hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng theo quy hoạch được duyệt của dự án; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; tổ chức phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án.

Mới tuần trước, khi thực hiện giám sát tối cao về việc quản lý đất đai, thực hiện quy hoạch ở đô thị kể từ năm 2013 (thời điểm Quốc hội sửa đổi Luật đất đai) đến năm 2018, nhiều đại biểu Quốc hội đã than rằng có những nơi người làm ruộng làm vườn nhận tiền đền bù rẻ như bèo đến mức "đổi một mét vuông lấy vài tô phở".

Hi vọng những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong cuộc giám sát nêu trên đã trở thành ký ức buồn, đừng bao giờ tái diễn.

p align=”right”>DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ