Top

Mở rộng TP Huế gấp 5 lần: Nhiều nỗi lo

Cập nhật 06/10/2019 09:30

Sau khi mở rộng, tổng diện tích của TP Huế sẽ đạt gần 350km2, gấp 5 lần so với hiện tại.

Một góc của TP Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: PLO

Được nhiều...

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Hiện đề án đang được trình hội nghị Tỉnh ủy, nếu được phê duyệt sẽ triển khai lấy ý kiến chuyên gia, người dân trước khi thực hiện.

Theo đề án này, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận). Sau khi mở rộng, diện tích của TP Huế mới sẽ khoảng 348,54 km2, gấp năm lần so với TP Huế hiện tại.

Hướng mở rộng của đô thị Huế là theo hướng đông - tây và bắc - nam, với trục cảnh quan xương sống là sông Hương kéo dài từ vùng rừng núi phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang với trung tâm Huế.

Mô hình cụm đô thị với trung tâm là TP Huế và bốn đô thị phụ trợ: Hương Thủy, Tứ Hạ, Thuận An, Bình Điền. Hướng phát triển này cũng kéo biển Thuận An và sân bay Phú Bài gần nhau hơn qua hệ thống giao thông vành đai. Vì sân bay Phú Bài và biển Thuận An sẽ là hai động lực hết sức quan trọng để phát triển TP Huế.

Chia sẻ với báo chí trước đó, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chủ trương mở rộng thành phố Huế đã có từ lâu. Tỉnh đang bàn bạc nên lấy địa phương nào vào thành phố, lấy toàn bộ hay là lấy một phần. Phương án quy hoạch thành phố vẫn chưa chốt. Tỉnh sẽ đưa quy hoạch ra thảo luận xem ý kiến của người dân như thế nào.

Trên báo Tuổi trẻ,ThS.KTS Trần Ngọc Tuệ (Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Thừa Thiên Huế) cho rằng khi mở rộng TP Huế như đồ án quy hoạch, sẽ hoàn thiện trục không gian sông Hương kết nối từ núi đến biển.

Trên trục sông Hương, các tiểu đô thị "bám hai bờ" sẽ được phát triển, vùng đô thị di sản sẽ được giảm áp lực. Thành phố Huế vốn là đô thị "nén", sẽ giảm bớt áp lực đối với hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội.

Theo ông Tuệ, hướng mở rộng đông - tây và bắc - nam là phù hợp, nhưng nên ưu tiên mở rộng theo trục đông - tây trước, để hoàn thiện không gian đô thị di sản Huế thành một bức tranh từ núi đến biển theo trục cảnh quan sông Hương. Việc mở rộng theo trục này sẽ tránh sự xáo trộn, mất cân bằng giữa đất phát triển đô thị và đất nông nghiệp.

Theo đề án, các đô thị trong cụm đô thị được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, bố trí dải cây xanh giữa các đô thị để hạn chế phát triển lan tỏa của các đô thị và phòng tránh lũ lụt; tạo lập cụm đô thị di sản - văn hóa - cảnh quan thân thiện với môi trường.

Với cách điều chỉnh mở rộng này, đô thị cổ với khu di sản thế giới - Kinh thành Huế - ở bờ bắc sông Hương, đô thị cũ ở bờ nam sông Hương sẽ được bảo tồn; trong khi đó, các vùng đã đô thị hóa quanh Huế sẽ được chính thức trở thành đô thị.

Cũng trên báo Tuổi trẻ, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định có rất nhiều cái được, nhưng cái được lớn nhất là khi không gian mở rộng thì Huế sẽ có một điều kiện thuận lợi để bảo tồn di sản - giá trị cốt lõi của Huế. Sẽ giải quyết được cuộc tranh chấp gay gắt giữa bảo tồn và phát triển luôn là câu chuyện bức xúc của Huế từ mấy chục năm qua.

Với một đô thị rộng mở và năng động đó, Huế mới có điều kiện để phát triển xứng tầm một trong sáu đô thị lớn của Việt Nam như quy hoạch của quốc gia. Đó chính là điều kiện để Huế phát triển kinh tế - xã hội, thoát khỏi tình trạng hiện nay "vị thế lớn mà quy mô nhỏ", vẫn xếp sau nhiều đô thị về kinh tế. Người dân được hưởng thụ điều kiện sống và làm việc tốt hơn.

Hệ lụy

Bên cạnh đó, theo ông Phan Ngọc Thọ, việc mở rộng phát triển này cũng sẽ gây xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận dân chúng và các địa phương. Một số diện tích và dân cư của các thị xã, huyện sẽ nhập về thành phố Huế, sẽ làm các địa phương đó thiếu chỉ tiêu, giảm cấp đô thị, sẽ ảnh hưởng đến ngân sách xây dựng hạ tầng, kinh tế - xã hội... Sẽ có một số địa danh làng xã bị thay đổi hoặc mất, gây xáo trộn đời sống và tâm tư của người dân, vì người Huế rất coi trọng văn hóa làng quê, họ tộc...

Theo KTS Trần Ngọc Tuệ, đô thị hóa sẽ lấy đi một diện tích đất nông nghiệp, nên việc cân bằng đất đai, thoát lũ và sự ảnh hưởng đến an ninh lương thực cần phải được xem xét cẩn trọng.

Một chuyên gia ở Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng đưa ra khuyến cáo: nếu diện tích tăng gấp năm lần trong khi dân số không tăng tương ứng sẽ tạo nên một dòng di cư lớn mà chính quyền không thể kiểm soát hết, sẽ nảy sinh các hệ lụy về văn hóa, xã hội.

Vấn đề sau cùng nhưng hết sức hệ trọng, đó là tiêu cực nảy sinh khi đô thị mở rộng sẽ mang lại nhiều nguồn lợi. Quỹ đất đô thị tăng và đó là "miếng mồi ngon" của những nhóm lợi ích. Hệ lụy nặng nề đó đã xảy ra với mở rộng đô thị Đà Nẵng, Hà Nội và nhiều đô thị khác.

Ông Phan Ngọc Thọ xác nhận việc lợi dụng quy hoạch để đầu cơ đất là nguy cơ đồng hành. Vì vậy, quy hoạch phải công khai để người dân giám sát. Đất đai sẽ được đấu thầu, đấu giá công khai. Kiểm soát tiêu cực bằng hệ thống pháp luật.

"Bài học từ việc mở rộng các đô thị trong nước sẽ giúp Huế hóa giải được những hệ lụy để phát triển. Vì đô thị hóa là quy luật tất yếu, không thể cưỡng lại được!" - ông Thọ chia sẻ.

Đóng góp ý kiến xây dựng đề án, các ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: Từ yêu cầu phát triển khách quan của hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay, việc mở rộng không gian đô thị Huế là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên-Huế trong xu thế hội nhập; phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và của tỉnh.

Đồng thời, theo các đại biểu, đây là định hướng hết sức cần thiết nhằm tạo ra những cơ hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Việc xây dựng đề án này sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như trong nâng cao bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị.

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đất việt