Top

Chuyển mặt bằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sang khu dịch vụ du lịch

Cập nhật 06/10/2019 08:30

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đề án chuyển đổi mặt bằng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội dừng vào tháng 11/2016 'vì lý do kinh tế'

Đề án chuyển đổi mặt bằng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được lập dựa trên cơ sở Nghị quyết số 115 ngày 31/8/2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023.

Phạm vi khu vực lập dự án có quy mô gần 885ha, trong đó khu vực quy hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (Thuận Nam) quy mô 385ha và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 thuộc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) quy mô 500ha.

Theo phương án chuyển đổi mặt bằng, đối với khu vực dự án điện hạt nhân 1 trở thành khu dịch vụ du lịch chất lượng cao, khai thác lợi thế về địa hình đặc thù của khu vực.

Đối với khu vực nhà máy điện hạt nhân 2 xây dựng trở thành khu dịch vụ du lịch biển, kết hợp sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch, khai thác đặc sản đặc thù của địa phương.

Đồng thời, đầu tư chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, kết nối đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật ổn định đời sống cộng đồng dân cư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống các công trình, trường học đạt chuẩn quy định.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Xuân Vĩnh đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương, khẩn trương hoàn thiện đề án để người dân các vùng dự án sớm hưởng lợi theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ. Trong đó, cần đánh giá những thuận lợi, khó khăn, điều kiện phát triển của khu vực, xây dựng đề án theo quy hoạch và định hướng phát triển chung của tỉnh.

Bên cạnh việc xây dựng các chính sách về hỗ trợ đầu tư hạ tầng, thu hút vào các lĩnh vực du lịch, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần quan tâm các chính sách hỗ trợ người dân vùng dự án về cơ chế ưu đãi tín dụng, hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển sinh kế. Trên cơ sở đó, đề xuất các nhóm vấn đề kiến nghị Trung ương thẩm định và bố trí nguồn lực để đầu tư sớm đạt được mục tiêu của đề án.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai nhà máy 1 và 2 được dự tính xây dựng cho đến năm 2016 tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, hai dự án sẽ được khởi công vào năm 2020 chậm hơn 6 năm dự kiến.

Sau thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản do động đất và sóng thần, dự án sau đó phải lùi địa điểm đã chọn vào đất liền sâu hơn, công trình được nâng lên để bảo đảm an toàn.

Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008. Trong đó Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân.

Đến tháng 11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận "vì lý do kinh tế".

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamfinance