Top

“Lùng nhùng” tiền sử dụng đất dự án nhà ở

Cập nhật 12/07/2022 10:20

Hàng loạt dự án nhà ở triển khai dở dang không được tiếp tục, hoặc đã triển khai xong nhưng không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (sổ hồng) cho người mua, do chưa thể xác định được tiền sử dụng đất của dự án.

Một góc khu đô thị An Phú - An Khánh. Người mua nhà đã 22 năm vẫn không có giấy chủ quyền do lùng nhùng chuyện tiền sử dụng đất.

Lại có dự án doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ tài chính xong hơn chục năm, nay cơ quan chức năng kiến nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng, khiến doanh nghiệp lao đao…

Quyết định sau phủ nhận quyết định trước

Bà Vinh mua căn hộ tại dự án trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình). Dự án đã xong từ năm 2018, bà Vinh và nhiều người khác đã dọn vào ở, nhưng “pháp lý” của người mua mới dừng lại ở “hợp đồng góp vốn”, chưa có hợp đồng mua bán chính thức với chủ đầu tư.

Tại dự án khác nhiều khách hàng may mắn hơn, đã ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và dự án cũng hoàn hiện. Nhưng cả 2 dự án trên, người mua nhà vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp sổ hồng như cam kết về tiến độ của chủ đầu tư. Thực trạng của 2 dự án trên là tình trạng khá phổ biến tại các dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM, nhất là các dự án có nguồn gốc là đất công. Rất nhiều dự án trước đây, giá đất được xác định theo thị trường bởi Hội đồng thẩm định giá đất TP để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính; một số dự án thì “tạm tính”, “tạm thu”, nhưng sau này những trường hợp như vậy không được chấp nhận, mà đất công phải được đấu giá theo quy định của Luật Đất đai. Chính vì vậy nhiều dự án rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, doanh nghiệp muốn thực hiện nghĩa vụ tài chính để hoàn thiện cũng không thể. Một số trường hợp khác, doanh nghiệp bị kiến nghị truy thu tiền sử dụng đất dù đã nộp đầy đủ cách đây từ nhiều năm.

Đơn cử, ngày 16-11-1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1042/QĐ-TTg về dự án đầu tư hạ tầng cơ sở khu đô thị An Phú - An Khánh (quận 2 cũ). Ngày 13-8-1999, Thủ tướng có Quyết định 783/QĐ-TTg về việc giao đất cho Công ty H. để đầu tư hạ tầng cơ sở Khu đô thị An Phú - An Khánh. Ngày 7-2-2002 Liên sở Tài chính - Vật giá, sở Địa chính - Nhà đất và Cục thuế TP, có Công văn 496/LS-TCVG gửi UBND TPHCM, về việc áp dụng giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính tại các phường thuộc 5 quận mới (2, 7, 9, 12 và Thủ Đức).

Sau đó căn cứ vào Quyết định 05/QĐ-UB-QLĐT ngày 4-1-1995 của UBND TPHCM, về việc ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn TP; xét đề nghị của các sở ngành liên quan tại Công văn 496; UBND TPHCM đã có Quyết định 21/2002/QĐ-UB ngày 11-3-2002, về việc xác định mức giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính khi lập thủ tục về quyền sử dụng đất tại các phường thuộc các quận này. Ngày 30-12-2002, Chi cục Thuế quận 2 đã áp dụng giá đất tại Quyết định 21/2002/QĐ-UB ngày 11-3-2002 để xác định số tiền sử dụng đất cho Công ty H. gần 124,706 tỷ đồng (làm tròn), sau đó doanh nghiệp này đã nộp đủ số tiền trên vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo Kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 1037/KL-TTCP ngày 26-6-2019 và một số kết luận khác liên quan, Cục thuế TPHCM đã ban hành Thông báo nộp tiền sử dụng đất bổ sung số 8001/TB-CTTPHCM ngày 29-4-2021 đối với khu đất 161.000m2 tại phường Bình An và Bình Khánh quận 2 (nay là TP Thủ Đức) cho Công ty H. được giao đất theo Quyết định 783/QĐ-TTg ngày 13-8-1999 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể tổng số tiền phải nộp 388 tỷ đồng (làm tròn), trong đó tiền sử dụng đất phải nộp 352,28 tỷ đồng, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất 35,981 tỷ đồng. Lý do nộp tiền sử dụng đất bổ sung: phê duyệt tiền sử dụng đất không đúng quy định; xử phạt nộp chậm.

Đại diện Công ty H. cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của TP. Nhưng hiện nay doanh nghiệp đang bị cơ quan thuế phong tỏa tài khoản, cưỡng chế để thu tiền… gây khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp này kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có kết luận rõ ràng để hoạt động của doanh nghiệp được trở lại bình thường.

Phải tháo gỡ cho doanh nghiệp

Bên lề kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X, trao đổi với phóng viên ĐTTC về hướng tháo gỡ vướng mắc của hơn 100 dự án nhà ở dư luận đang quan tâm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cho biết ông thấu hiểu và cảm nhận được khó khăn của doanh nghiệp đang trải qua. TP đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đối với các dự án đang vướng mắc TP cũng đã tháo gỡ trong thời gian qua. Tuy nhiên sẽ làm quyết liệt hơn, thành lập ban chỉ đạo về việc này.

Liên quan đến việc vướng mắc tiền sử dụng đất tại các dự án, mới đây Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để kịp thời huy động nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở, thương mại dịch vụ (kèm theo biện pháp ràng buộc nhằm đảm bảo thu đủ ngân sách), giảm áp lực về cấp sổ hồng cho người mua trong các dự án nhà ở, cũng như tăng thu cho ngân sách nhà nước khi người mua nhà ở trong các dự án được cấp giấy chứng nhận thực hiện các giao dịch liên quan.

Theo Sở TN-MT, hiện công tác giải quyết hồ sơ thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính đất đai đang chậm vì khó khăn, vướng mắc, trong đó có nhiều dự án nhà ở. Cụ thể, hiện nay số lượng hồ sơ đang giải quyết 510 hồ sơ, trong đó đang thực hiện 160 hồ sơ, hoàn trả cho tổ chức hoặc hủy bỏ 235 hồ sơ, 115 hồ sơ vướng mắc về áp dụng quy định pháp luật, đất nhà nước trực tiếp quản lý trong dự án, nguồn gốc đất công… Trong 5 tháng đầu năm 2022 chỉ có 5 hồ sơ được giải quyết.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết những khó khăn, vướng mắc trên UBND TP đã có nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của các bộ ngành Trung ương và Chính phủ, nhưng phần lớn chưa được tháo gỡ. Lần này TP tiếp tục kiến nghị hướng xử lý đối với hồ sơ xác định giá đất cụ thể. Đó là Công văn 477/UBND-ĐT ngày 17-2-2022 của UBND TP, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn TPHCM.

Nhiều dự án nhà ở rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, doanh nghiệp muốn thực hiện nghĩa vụ tài chính để hoàn thiện không được, trong khi doanh nghiệp khác bị truy thu tiền sử dụng đất dù đã nộp đầy đủ cách đây từ nhiều năm.

DiaOcOnline.vn – Theo SGGP