Top

Lãng phí quỹ đất hành lang bảo vệ sông, rạch

Cập nhật 24/09/2019 15:00

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công nhiều dự án chỉnh trang các tuyến sông, kênh, rạch; di dời, tái định cư nhà trên và ven sông, kênh, rạch để khôi phục dòng chảy, làm đường, xây dựng công viên và cải tạo các khu dân cư cho hàng chục ngàn hộ dân…

Những dự án nhà ở cao tầng bám mặt tiền sông

Nhưng trước năm 2004, do thành phố chưa có các quy định về hành lang bảo vệ sông rạch nên đã có nhiều dự án nhà ở, khu du lịch được giao đất và xây dựng sát cạnh mép bờ cao sông Sài Gòn. Về vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) thành phố cho rằng, đến nay thành phố cũng chưa có quy hoạch bờ kè theo từng đoạn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và hệ thống sông, kênh, rạch ở nội thành để làm căn cứ lập kế hoạch kè bờ kết hợp với nắn lại mép bờ cao sông để chỉnh trị dòng chảy.

Hiện thành phố cũng chưa có quy hoạch sử dụng đất đối với quỹ đất hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, nhất là đối với các dự án đang sử dụng quỹ đất đến mép bờ cao các tuyến sông, kênh, rạch cũng như việc quy hoạch chi tiết một số vị trí mặt sông để cho phép khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước vào việc phục vụ lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, du lịch. Một hạn chế khác là hệ thống cầu bắc qua kênh rạch ở khu vực nội thành đang có độ tĩnh không thông thuyền rất thấp, gây cản trở hoạt động giao thông đường thủy và phát triển du lịch. Cùng lúc hệ thống nước thải đô thị chưa được thu gom để xử lý tập trung, mà vẫn đang xả thải trực tiếp vào các tuyến sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường, sinh thái và làm tăng độ bồi lắng lòng sông.

Ngoài ra, thành phố cũng chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích xã hội hóa việc kè bờ sông rạch trong nội thành, ngay với những vị trí có nguy cơ bị sạt lở. Càng hạn chế hơn trong việc khai thác quỹ đất hành lang sông, kênh, rạch khi các dự án khu đô thị, khu nhà ở chỉ được giao đất đến ranh hành lang bảo vệ mép bờ cao nên chủ đầu tư không có quyền và cũng không có trách nhiệm phải xây dựng bờ kè hoặc đầu tư làm đường giao thông, mảng xanh hoặc đầu tư các công trình dịch vụ, tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, dẫn đến hành lang bảo vệ sông rạch bị hoang hóa, sạt lở…

Những dự án nhà ở cao tầng bám mặt tiền sông.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, đến nay thành phố đã phủ kín quy hoạch phân khu, trong đó đã cập nhật quy hoạch mép bờ cao, hành lang bảo vệ bờ sông từ 30 - 50m. Theo đó, đất hành lang sông Sài Gòn và các tuyến kênh, rạch trong nội thành sẽ được sử dụng làm công viên cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Ông Nhã cũng thừa nhận, dù quy hoạch và thực hiện quy hoạch bờ sông, kênh, rạch của thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông, kênh, rạch để xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê còn phổ biến, nhất là khu vực có mật độ dân cư cao trong khi các quận, huyện chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

Cụ thể, chỉ tính riêng tuyến sông Sài Gòn đang có 84 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ hoặc khu công viên kết hợp vui chơi giải trí với diện tích sơ bộ lên đến hơn 454ha. Trong số này có 13 chủ đầu tư với 116 lô đất có ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông; gần một nửa trong số đó đã có quyết định cưỡng chế, yêu cầu phải tháo dỡ, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn không thực hiện với lý do các căn biệt thự đã được sang tay nhiều đời chủ.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, hệ thống sông, kênh, rạch có vai trò quan trọng trong phát triển của thành phố. Tuy vậy, thành phố cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như quá trình đô thị hoá gây tình trạng sạt lở, sụt lún; việc quản lý chưa đồng bộ khiến quỹ đất hành lang sông, kênh, rạch rất lớn đang bị lấn chiếm, xây dựng nhiều dự án nhà cao tầng. Do đó, việc phát huy tiềm năng hành lang các tuyến sông, kênh, rạch để góp phần phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực BĐS cần được đẩy mạnh.

Trước mắt, thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh đề án quy hoạch phát triển bờ kè sông, kênh, rạch nội thành và xây dựng khung pháp lý, quy chế quản lý thống nhất, đồng bộ. Trong đó sẽ xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan Nhà nước và vai trò tham gia của người dân, doanh nghiệp cũng như có biện pháp chế tài đủ mạnh để triển khai thực hiện quy chế này.

Ông Lâm Hải, một kiến trúc sư cho rằng, nếu chỉ xây nhà cao tầng từ mép cao bờ sông lùi vào bên, chừa lại phần diện tích bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch trong khi ngân sách chưa có điều kiện thực hiện thì quỹ đất này vẫn bị bỏ hoang, cảnh quan các tuyến sông, kênh, rạch sẽ vẫn mang bộ mặt nham nhở như lâu nay.

TS.Võ Kim Cương, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh lưu ý, thành phố không nên quá chú trọng đến hiệu quả kinh tế trước mắt mà nên quan tâm hơn đến môi trường đô thị và cảnh quan sông nước. Để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hành lang sông, kênh, rạch, thành phố cần bám sát quy hoạch thủy lợi chống ngập úng phân khu vực theo các phương án chống ngập và giao thông thủy để có kế hoạch và phương án thiết kế bờ kè hiệu quả nhất.

DiaOcOnline.vn – Theo CAND