Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế “có tiền không tiêu được”, trong khi nhu cầu của xã hội đang rất cần, chậm một ngày là dẫn đến bao hệ luỵ về tiến độ, đội vốn. Trong đó, một nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ mặt đặt tên, đó là tình trạng cán bộ… sợ sai, không dám làm.
Theo các chuyên gia, nếu làm làm nghẽn giải ngân đầu tư công cũng phải kỉ luật. Không chịu làm cũng kỷ luật...
Ì ạch tiêu tiền giải ngân đầu tư công, vì đâu?
Tính đến hết tháng 7/2019, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 35% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (đạt hơn 38%).
Trong đó, có 35 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%; trong đó có 18 bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Những năm qua câu chuyện “có tiền mà không tiêu được” được phản ánh, mổ xẻ rất nhiều. Năm nào tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cũng bị “kêu” thấp, không đạt kế hoạch. Năm nay, tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn so với những năm trước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế “có tiền không tiêu được”, trong khi nhu cầu của xã hội đang rất cần, chậm một ngày là dẫn đến bao hệ luỵ về tiến độ, vốn, bức xúc xã hội...
Trong đó, một nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ mặt đặt tên, đó là… cán bộ sợ sai, không dám làm.
Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế nói: Khi triển khai dự án phải được lập trình từ dưới lên và phải chốt trong kế hoạch đã định. Trong trường hợp dự án được chuyển xuống dưới cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải lập thiết kế cơ sở và trình Bộ Xây dựng.
Khi Bộ Xây dựng thẩm định xong thì mới tổ chức đấu thầu, nếu có vướng mắc liên quan đến vốn thì lại báo cáo lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rồi tiếp tục thẩm định lại vì liên quan đến việc thay đổi quy mô, thay đổi kết cấu của dự án.
Trong khi đó, 1 năm có vài nghìn công trình trên toàn quốc và với việc chỉnh sửa, thay đổi... chỉ tập trung vào Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ; thậm chí có những dự án phải trình cả Quốc hội vì liên quan đến nguồn vốn. Nếu dự án điều chỉnh thì sẽ có một vòng quay lên. Trong khi có dự án điều chỉnh đến vài chục lần.
“Có cả hàng nghìn dự án như vậy nên rất dễ rơi vào tình trạng thắt cổ chai. Chưa kể phê duyệt dự án xong giao đất GPMB thì lại phát sinh thêm bao nhiêu vấn đề. Vốn dĩ bố trí vốn, triển khai tiền dự án đã dài, lúc triển khai nhiều khi nhà thầu không có năng lực gây ách tắc, chậm trễ. Năng lực ban quản lý dự án không chuyên nghiệp…”, ông Sinh nêu một loạt nguyên nhân.
Ngoài những vướng mắc Luật đầu tư công, Luật quy hoạch…, ông Sinh cho rằng còn một nguyên nhân khác mang tính căn cơ, đó là: Tâm lý sợ, không dám làm để được… an phận.
“Làm chậm cũng không bị chế tài thì sao họ phải lo. Mỗi người cứ chậm 1 khâu thôi thì tổng thể dự án chậm. Một dự án chậm kéo theo bao hệ luỵ, nào là đội vốn, nào là gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”, ông Sinh nói.
Thêm nữa theo ông Sinh, đang có tình trạng không ai dám làm vì việc chế tài, xử phạt, quy trách nhiệm trong đầu tư công hiện rất nặng nề, trong khi quy định pháp luật không rõ ràng nên các địa phương, bộ, ngành nảy sinh “bệnh”… không dám làm.
Mạnh tay xử lý cán bộ... không dám làm
Bình luận với Dân trí về chủ đề này, GS. TSKH, Võ Đại Lược cũng ccho rằng trong bối cảnh quyết liệt chống tham nhũng, không tránh khỏi cảm giác "sợ hãi" của một số bộ phận cán bộ công chức.
“Phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm, suy thoái, là những vấn đề liên tục nóng trong vài năm trở lại đây. Việc phanh phui những sai phạm của những cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp rất cao được dư luận ủng hộ, mang tính răn đe rất lớn đối với những người đương chức, đương quyền.
Tuy nhiên, có một thực tế cuộc chiến chống tham nhũng “quét” đến đâu thì nhiều cán bộ sợ hãi đến đó. Trong khi đây đáng phải được coi là cơ hội để cán bộ công chức lấy đó làm gương, làm bài học kinh nghiệm để chỉnh đốn tổ chức, cẩn trọng và nghiêm minh hơn trước mọi quyết định thì thay vào đó, nhiều người sợ hãi, lo lắng, co cụm rồi không dám làm gì”, ông Lược bình luận.
Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ: “Công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, hoàn thiện hồ sơ giải ngân của các cấp, các ngành chưa quyết liệt, xuất hiện tâm lý ngại hoàn thiện thủ tục, ngại triển khai do chưa nắm vững quy định pháp luật, sợ trách nhiệm...”.
Nguồn vốn nhà nước chiếm phần rất lớn trong tổng đầu tư xã hội, giải ngân chậm sẽ kéo lùi tăng trưởng. Thủ tướng cũng nhiều lần nói về tình trạng “trên nóng dưới lạnh”…
Trong khi đó theo ông Lược, đầu tư công chủ yếu là cơ sở hạ tầng, giải ngân chậm như vậy có rất nhiều thiệt hại: Trì trệ cơ sở hạ tầng, không thúc đẩy phát triển được kinh tế xã hội; các dự án chậm bao nhiêu thì lãi vay càng tăng bấy nhiêu, vốn đội lên càng nhiều, chất lượng không đảm bảo… Rất đáng lo ngại!
Vậy xử lý thế nào? Theo ông Lược, nếu làm làm nghẽn giải ngân đầu tư công cũng phải kỉ luật. “Không chịu làm cũng kỷ luật. Ông không làm được, không dám làm thì để người khác làm. Không thể để có chuyện không làm để an toàn. Ông đang ăn lương nhà nước, sao có chuyện “ngồi chơi””, ông Lược nói.
Vị chuyên gia này cho rằng, mỗi cán bộ, công chức phải làm đúng trách nhiệm của mình, tránh xa được cái gọi là lợi ích nhóm. Một khi làm đúng chức trách, phận sự của mình trong công việc thì không phải sợ gì cả.
“Rõ ràng sợ sai không dám làm là do vấn đề năng lực. Năng lực yếu kém, khâu thẩm định có vấn đề nên làm gì cũng sợ. Nếu ông có tài, có năng lực thật thì không đến nỗi…”, ông Lược nói.
Còn theo quan điểm của ông Sinh, cần phải siết chặt lại kỷ cương; đồng thời phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Với thực trạng đầu tư công nhiều năm cũng phải xem lại những chồng chéo về luật, phải tháo gỡ cả hệ thống các luật liên quan chứ tháo gỡ một luật sẽ không giải quyết được vấn đề...
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: