Top

Lại kiến nghị cấp phép xây cao ốc tại quận trung tâm TPHCM

Cập nhật 01/04/2019 15:30

HoREA đề nghị thay thế quy định: "Khu vực trung tâm hiện hữu (bao gồm quận 1 và quận 3): Không phát triển các dự án mới về đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2020".

Thủ tướng trước đó từng yêu cầu không xây thêm cao ốc ở trung tâm Hà Nội và TPHCM để giải quyết tình trạng "kẹt" xe.

Trong một báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã đưa ra kiến nghị tiếp tục thực hiện lựa chọn chặt chẽ dự án đầu tư nhà ở và dự án đầu tư chung cư cao tầng tại khu vực trung tâm (quận 1, quận 3).

Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị UBND thành phố có Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 5086/QĐ-UBND và Quyết định số 5087/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 Phê duyệt Chương trình và Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM.

Theo đó, HoREA đề nghị thay thế quy định: "Khu vực trung tâm hiện hữu (bao gồm quận 1 và quận 3): Không phát triển các dự án mới về đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2020"(trích Chương trình phát triển nhà ở); và "Từ nay đến năm 2020, không chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư đối với các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn quận 1, quận 3" (trích Kế hoạch phát triển nhà ở).

Đồng thời, đề nghị thực hiện Khoản (II.1.a) Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ: "Quy định bắt buộc chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư công trình xây dựng lớn phải thiết kế phương án kết nối giao thông vào đường quốc lộ, đường chính trong đô thị, tính toán nhu cầu giao thông phát sinh của công trình, đảm bảo an toàn giao thông và không gây ùn tắc giao thông".

"Thực hiện Nghị quyết 12 lựa chọn chặt chẽ dự án đầu tư nhà ở và dự án đầu tư chung cư cao tầng tại khu vực trung tâm thành phố (quận 1, quận 3), không gây tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải hệ thống hạ tầng đô thị, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hạn chế nguy cơ xảy ra tình trạng độc quyền thị trường, đẩy giá bất động sản, thu lợi không chính đáng", HoREA kiến nghị.

Tại kỳ họp diễn ra vào 12/7/2018, HĐND TPHCM đã thông qua tờ trình của UBND TPHCM về Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2016 – 2025, với các nội dung quy hoạch xây dựng chi tiết cho các quận, huyện trên địa bàn.

Theo Nghị quyết này, tại khu vực trung tâm (quận 1 và quận 3), thành phố ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước 1975; không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2020.

Tại khu vực các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh, thành phố tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị; hạn chế các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.

Trước đó, để từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không xây thêm cao ốc ở trung tâm 2 thành phố này.

Theo Thủ tướng, việc xây dựng các nghị quyết mới cần lưu ý không tiếp tục phát triển chung cư căn hộ nhà cao tầng ở khu vực các quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm; phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư giảm ùn tắc giao thông.

Thủ tướng tại thời điểm đó cũng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM (thay thế Nghị quyết được ban hành năm 2008).

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, nếu tạm ngừng cấp phép cho dự án mới ở khu vực trung tâm TPHCM từ 2018 – 2020 sẽ tạo sân chơi không bình đẳng, giảm nguồn cung nhà ở của các quận nội thành.

Theo ông Châu, những chủ đầu tư đã có dự án nhà ở tại khu vực trung tâm sẽ được hưởng lợi thế độc quyền từ nay đến 2020, vì cung giảm, trong khi nhu cầu vẫn có thì đương nhiên giá cả nhà ở sẽ tăng.

Chuyên gia bất động sản này đánh giá, nếu quy định này được thực thi chắc chắn sẽ tác động đến nguồn cung nhà ở của các quận nội thành nói chung. Bởi theo ông, xét phạm vi được nói đến trong quyết định này, khu vực trung tâm hiện nay (bị tạm dừng) gồm quận 1, một phần quận 3, một phần quận 4 và một phần quận Bình Thạnh; còn khu nội thành (bị hạn chế) gồm các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú…

"Lẽ ra cần chọn lọc phát triển các dự án chung cư cao tầng ở tất cả các địa bàn trên phạm vi toàn TPHCM. Dự án phải đi đôi với nghĩa vụ của chủ đầu tư để giải quyết những tình trạng bức bối của đô thị hiện nay như tình trạng kẹt xe, ngập nước…", ông Châu nói.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân tri