Top

Kinh doanh BĐS: vốn pháp định 6 tỉ đồng

Cập nhật 19/10/2007 17:00

Hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 153/2007/NĐ - CP (ngày 15.10.2007). Những quy định này sẽ đóng góp tích cực vào quá trình phát triển BĐS, điều tiết thị trường BĐS theo hướng minh bạch, công khai, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này. Xin lần lượt giới thiệu các nội dung của NĐ.

- Các loại BĐS được đưa vào kinh doanh bao gồm: nhà, công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (trừ nhà ở công vụ, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình bí mật nhà nước, công trình an ninh - quốc phòng, công trình được công nhận là di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh thuộc sở hữu nhà nước và các công trình khác mà pháp luật không cho phép kinh doanh); quyền sử dụng đất. Các đối tượng trên phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 7 của Luật Kinh doanh bất động sản thì mới được đưa vào kinh doanh.

Ngoài các đối tượng trên, căn cứ tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ có thể điều chỉnh, bổ sung các loại BĐS được đưa vào kinh doanh.

- Các điều từ 3 - 10 của NĐ quy định chi tiết việc kinh doanh BĐS. Theo đó, điều kiện để một đơn vị được công nhận là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) kinh doanh BĐS là phải có vốn pháp định 6 tỉ đồng Việt Nam. Việc xác nhận vốn pháp định của doanh nghiệp, HTX thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, HTX và đăng ký kinh doanh.

Trong trường hợp chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS và khách hàng thỏa thuận mua bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo hình thức ứng tiền trước thì việc ứng tiền trước phải được thực hiện nhiều lần, lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các lần huy động tiền ứng trước tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhà, công trình đó. Khách hàng ứng tiền trước được hưởng giá mua, giá chuyển nhượng bất động sản tại thời điểm ký hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các trường hợp chủ đầu tư giao BĐS chậm tiến độ, khách hàng không thực hiện đúng cam kết về việc ứng tiền trước... theo hợp đồng đều phải chịu trách nhiệm.

- Yêu cầu về năng lực tài chính đối với chủ đầu tư: Vốn đầu tư thuộc sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư với dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp; từ 15% trở lên với dự án khu nhà ở có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và từ 20% trở lên với dự án khu nhà ở có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.

- Việc chuyển nhượng toàn bộ dự án ngay khi chưa thực hiện hoặc đang thực hiện dở dang phải được thực hiện bằng văn bản và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, cho phép. Cơ quan cho phép đầu tư là cơ quan cho phép chuyển nhượng dự án. Việc xem xét, cho phép chuyển nhượng dự án phải đảm bảo dự án không bị gián đoạn, không làm thay đổi mục tiêu và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của khách hàng và các bên liên quan khác.

- Các trường hợp sẽ bị thu hồi văn bản cho phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư dự án: Chủ đầu tư vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, quản lý đất đai mà không có giải pháp khắc phục kịp thời theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không thực hiện đúng nội dung dự án hoặc sau 12 tháng, kể từ ngày nhận bàn giao đất mà không triển khai thực hiện dự án hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng so với tiến độ được duyệt. Các chủ đầu tư bị xử lý trong các trường hợp trên sẽ không được giao làm chủ đầu tư các dự án kinh doanh BĐS mới trong thời gian 2 năm.

Theo Thanh Niên