Top

Không phải chung cư nào cũng có thời hạn…

Cập nhật 07/03/2011 09:07

Sở hữu nhà có thời hạn trên thực tế ở nước mình đã có rồi như Pacific… Việc đưa ra loại nhà chung cư có thời hạn chỉ là một trong các hình thức sở hữu nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân lựa chọn.

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn Bộ Xây dựng kỳ vọng giá bất đong sản sẽ giảm (ảnh minh họa)

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Đề xuất này mới chỉ ở dạng ý tưởng. Còn nó là thời hạn 50, 70 hay 90 năm thì chưa xác định và không có tính hồi tố. Nó chỉ là một trong các hình thức, không phải là tất cả nhà chung cư đều có thời hạn.

Chúng tôi đưa ra mô hình chung cư có thời hạn là thêm một loại hàng hóa nữa vào thị trường BĐS, giống như nhà giá thấp.

* Nhưng trước đề xuất trên của Bộ Xây dựng, đã có nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí còn phản ứng mạnh mẽ. Ông nghĩ sao?

Nhiều người chỉ thấy hướng tiêu cực mà không thấy mặt tích cực của nó. Ai muốn và có khả năng thì tiếp tục mua nhà chung cư sở hữu không thời hạn. Còn sở hữu nhà có thời hạn trên thực tế ở nước mình đã có rồi, chứ không phải chỉ có ở thế giới. Điển hình như ở Hà Nội là Pacific…

Mặt khác nhà cho thuê cũng có thể hiểu là nhà sở hữu có thời hạn, thuê một tuần, sở hữu một tuần, thuê 3 năm, sở hữu 3 năm. Còn với các nhà đầu tư có liên doanh với nước ngoài, mình cho thuê đất. Luật đất đai quy định có loại đất cho thuê, có loại đất giao có thời hạn 30 - 50 năm, có loại đất giao không thời hạn…

* Nhưng tâm lý người dân từ trước đến giờ khi mua nhà vẫn luôn muốn sở hữu vĩnh viễn…?

Đưa thêm loại nhà chung cư có thời hạn vào thị trường là nhằm tạo ra nhiều cơ hội cho người dân lựa chọn. Anh có tiền thì mua nhà không thời hạn. Anh ít tiền mà cần nhà ngay thì có thể lựa chọn sản phẩm này với giá cả tương xứng với số năm sử dụng, rẻ đi. Như vậy nhiều người có cơ hội mua nhà.

* Ở góc độ nhà quản lý, nếu mô hình sở hữu chung cư có thời hạn được áp dụng, nhà nước sẽ có lợi gì?

Đó là khi nhà ở đó sử dụng hết thời hạn thì sẽ không phải của ai nữa. lúc đó là của nhà nước. Nhà nước có thể phá đi xây cái khác. Ví dụ như quy hoạch của mình là 50 năm, có thể là 50 năm sau khu này sẽ là vườn hoa, công viên, đường.

Tôi không thể xây nhà sở hữu vĩnh viễn ở đây, mà tôi cũng không thể để không khu đất trống ấy rồi chờ đến 50 năm sau! Tôi xây cái nhà với thời hạn sử dụng là 50 năm. Trong thời gian này cứ sử dụng đất như vậy. Hết thời hạn, tôi làm cái khác mà không phải đề bù, giải phóng nữa, vì tôi chỉ lấy tiền của anh 50 năm.

* Ở các nước trên thế giới, với nhà đất có thời hạn, sau khi hết thời hạn sử dụng đó thì tính sao?


Mỗi nhà lãnh đạo có những chính sách riêng của mình. Điều kiện thế giới, kinh tế xã hội có biến đổi. Căn cứ vào tình hình cụ thể lúc đó để người ta ra chính sách tiếp theo.

Nếu như chỗ đó vẫn phù hợp quy hoạch thì vẫn để làm nhà ở. Hoặc theo quy hoạch mới, có thể lại phá nhà đó đi, xây nhà mới rồi lại bán hoặc có thể xây văn phòng… Tất cả những việc này hòan toàn phụ thuộc vào quy hoạch.

Xin cám ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí