Top

Không cấm sở hữu chung cư lâu dài

Cập nhật 05/03/2011 08:51

Bộ Xây dựng sẽ xây dựng một nghị định, đề án riêng quy định về phát triển nhà cho thuê.

“Sẽ có nhiều hình thức sở hữu nhà ở cho người dân lựa chọn tùy theo nhu cầu, khả năng”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại hội thảo về chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diễn ra ngày 4-3.

Sở hữu có thời hạn để đa dạng hóa sản phẩm

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, vấn đề đang “nóng” hiện nay là chủ trương sở hữu nhà chung cư có thời hạn do Bộ đề ra. Thậm chí có người còn “đổ thừa” Bộ Xây dựng làm đóng băng thị trường bất động sản. Tuy nhiên, chủ trương này chưa phải là đề xuất chính thức của Bộ mà chỉ là hai dòng trong báo cáo gửi Thủ tướng.

Theo ông Nam, chủ trương trên nhằm đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản chứ không có nghĩa từ nay chỉ còn một hình thức sở hữu này. “Hình thức sở hữu chung cư có thời hạn sẽ phục vụ cho những người ít tiền không đủ điều kiện mua chung cư được sở hữu lâu dài” - ông Nam bày tỏ. Ngoài ra, quy định này sẽ không hồi tố đối với những chung cư đã mua bán theo hình thức sở hữu lâu dài.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, cho hay trên thực tế đã có loại hình sở hữu chung cư có thời hạn, chẳng hạn quy định người nước ngoài chỉ được sở hữu chung cư trong 70 năm. “Nếu cho thuê đất có thời hạn thì quy định chung cư xây dựng trên đó cũng chỉ sở hữu trong thời gian tương ứng là có cơ sở” - ông Hà giải thích.


Quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn chỉ là một dòng sản phẩm trong thị trường bất động sản. Còn những chung cư như thế này vẫn sở hữu lâu dài. Ảnh: HTD

Phát triển nhà cho thuê cũng là một hướng đi mà Bộ Xây dựng cho biết sẽ chú trọng trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. “Giải pháp có thể đặt ra là dùng quỹ đất sạch, quy định mục đích cho thuê hay bán để doanh nghiệp lựa chọn ngay từ đầu. Hoặc cũng có thể lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để người thu nhập thấp được vay với lãi suất thấp” - ông Hà nói.

Trong khi đó, hình thức xây nhà thô để bán sẽ bị xóa bỏ. Theo ông Hà, loại hình này chỉ có lợi cho doanh nghiệp nhưng không có lợi cho việc phát triển đô thị. Thực tế cho thấy mục đích hình thành khu đô thị mới đã không thành vì không có người đến ở, như một số trường hợp ở Hà Nội.

Loại hình căn hộ diện tích nhỏ, trung bình đáp ứng nhu cầu hộ độc thân, hộ gia đình trẻ hoặc đã về hưu với giá cả phù hợp cũng được Bộ Xây dựng đưa vào chiến lược phát triển nhà ở. “Cần xét ở góc độ cơ cấu hộ gia đình chứ không phải là diện tích lớn hay nhỏ. Hiện nay ở các nước, hộ ít người, độc thân là một xu hướng, Việt Nam cũng thế” - ông Nam nhận xét.

“Tư duy ngành” cản chân chương trình nhà ở

Đánh giá về các nhóm giải pháp do Bộ Xây dựng đề ra, ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đức House, cho rằng “chưa đủ sức mà cần nhấn mạnh hơn nữa”. Theo ông Hiếu, phải có một cơ quan đủ quyền lực để giải quyết được mọi vấn đề, còn hiện nay mỗi bộ lo một việc. “Tình trạng cát cứ giữa các ngành dẫn đến chính sách không đồng bộ” - ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng Giám đốc Công ty Nam Long, đồng tình.

Phó Giám đốc Công ty Đất Lành Nguyễn Văn Đực cho rằng ngoài tư duy ngành thì cơ quan có thẩm quyền chưa đồng hành cùng doanh nghiệp dù phát triển nhà thu nhập thấp là trách nhiệm chính của phía Nhà nước. “Lẽ ra Sở Xây dựng phải cử người đi nộp hồ sơ, làm thủ tục cùng doanh nghiệp. Đằng này từ khâu quận đến khắp các sở, chúng tôi đều tự chạy” - ông Đực góp ý. Theo ông Đực, năm 2009, TP xây được 112 căn nhà ở xã hội đã là con số rất khiêm tốn nhưng năm nay còn chưa biết có được căn nào không.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam chia sẻ với ý kiến nếu có sự quan tâm sâu sắc từ những lãnh đạo, những cơ quan cao cấp nhất của Nhà nước thì chiến lược nhà ở quốc gia sẽ thực hiện tốt. “Chẳng hạn ở Singapore, chính sách về nhà ở cho người dân do chính Thủ tướng Lý Quang Diệu đề ra từ những năm 1960” - ông Nam dẫn chứng. Cũng theo ông Nam, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng một nghị định, đề án riêng quy định về phát triển nhà cho thuê để trình Chính phủ.

Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, tại khu vực đô thị cả nước cần phát triển thêm khoảng 6.74 triệu căn nhà ở, tại khu vực đô thị loại II trở lên bằng khoảng 50% (tức khoảng 3.37 triệu căn). Trong đó, cần xây dựng khoảng 500,000 căn để đáp ứng cho đối tượng thu nhập thấp.

(Trích “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2002 và tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ Xây dựng)

Bất động sản phải được xem là một ngành sản xuất, hơn nữa lại mang tính chất an sinh. Thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát là đúng nhưng cần cân nhắc để thị trường bất động sản vẫn phải được tiếp tục phát triển.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Phòng trọ không tốt bằng chung cư mini, chung cư mini không tốt bằng căn hộ mini trong chung cư hiện đại. Nghị định 71 cho phép chung cư mini thì cũng nên cho phép xây căn hộ mini 20-30 m2 trong nhà chung cư.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành
 


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP