Top

Kế hoạch phát triển nhà ở tại TP.HCM 10 năm tới

Cập nhật 07/05/2020 09:28

Dự kiến nguồn vốn để phát triển nhà ở đến năm 2025 là 503.800 tỉ đồng, đến năm 2030 là 545.500 tỉ đồng.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP phê duyệt đề án “Tổ chức thực hiện chương trình phát triển nhà ở cho người dân TP.HCM giai đoạn 2020-2030”.

Theo đó, trong 10 năm qua, dân số toàn TP đã tăng 1.845.261 người, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 16,6 m2/người năm 2009 lên 20,1 m2/người năm 2019. Tổng dân số dự kiến đến năm 2030 là trên 11 triệu người. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân trong 10 năm tới, đề án này là rất cần thiết.

Sở đính kèm dự thảo đề án trên phần dự báo nhu cầu về nhà ở của TP giai đoạn 2020-2030 là 149,4 triệu m2 sàn. Trong đó giai đoạn 2020-2025 là 81,4 triệu m2 sàn, giai đoạn 2026-2030 là 68 triệu m2 sàn. Dự báo nhu cầu đất tăng thêm trên địa bàn TP trong giai đoạn 2020-2025 là 2.003 ha và trong giai đoạn 2026-2030 là 2,372 ha.

Trước mắt, trong năm năm tới (đến năm 2025), dự thảo đề ra nhiều giải pháp với từng nhóm sản phẩm. Với nhà ở thương mại cần giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư trong việc cung cấp chỉ tiêu quy hoạch, phê duyệt hoặc thỏa thuận tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.

Nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM không ngừng gia tăng. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Đối với nhà ở xã hội cần thực hiện đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách... Nhà ở riêng lẻ do dân tự xây phải đơn giản thủ tục để người dân thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng mới, cải thiện nhà ở theo nhu cầu và khả năng.

Thành phố cần xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích thu hút đầu tư các dự án di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, cải tạo, đầu tư xây dựng mới thay thế chung cư cũ.

Khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1 và quận 3) ưu tiên các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975, hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch hạ tầng phù hợp.

Khu vực 11 quận nội thành (các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh) tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại. Đối với các quận 4, 5, 6, 11, quận Phú Nhuận (những quận có dân số giảm trong 10 năm trở lại đây) hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch phù hợp. Các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án nhà ở.

Khu vực sáu quận nội thành phát triển (2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến metro số 1.

Khu vực năm huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn, khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO