Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai nếu được thông qua sẽ khiến Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước không được thực hiện dự án phân lô bán nền.
Nhiều địa phương không được thực hiện dự án phân lô bán nền
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường về góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai ("Dự thảo Nghị định"). Trong đó, HoREA kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại việc phân lô bán nền tại các địa phương.
Theo HoREA, khoản 2 Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã giao cho UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện dự án phân lô bán nền phù hợp với quy hoạch và thực tiễn của địa phương, kể cả tại các khu vực ngoài địa bàn các quận nội thành của các đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM).
|
Nhiều địa phương sẽ không được thực hiện dự án phân lô bán nền nếu Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai được thông qua.
Tuy nhiên, tại "Dự thảo Nghị định" mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện các dự án phân lô bán nền đối với "các khu vực không nằm trong địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh".
Điều này có nghĩa chẳng những toàn bộ địa bàn Hà Nội, TP.HCM, mà kể cả Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các "thành phố thuộc tỉnh và khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh…" đều không được thực hiện dự án phân lô bán nền.
Như vậy, nếu “Dự thảo Nghị định” được thông qua sẽ khiến Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước không được thực hiện dự án phân lô tách thửa.
HoREA nhận thấy, về tầm nhìn lâu dài và với yêu cầu phát triển đô thị bền vững thì "Dự thảo Nghị định" đề xuất mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện các dự án phân lô bán nền là có căn cứ và cũng là định hướng cần thiết để thực hiện lộ trình đô thị hóa, thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng các dự án nhà chung cư cao tầng, các dự án nhà ở được xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch và thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đi đôi với kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phân lô bán nền để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất. Tuy nhiên, cũng phải quan tâm nhu cầu phân lô bán nền tại một số khu vực của các địa phương.
HoREA cho rằng chỉ nên cấm phân lô bán nền tại các quận nội thành, các quận nội thành phát triển, thành phố thuộc tỉnh (thành phố thuộc thành phố), các thị trấn, các phường thuộc thị xã, khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị trên địa bàn thành phố.
"Còn tại các xã thuộc khu vực nông thôn các huyện ngoại thành, kể cả tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ thì vẫn có thể xem xét, cho phép một số dự án phân lô bán nền phù hợp với thực tiễn của địa phương", HoREA kiến nghị.
Bộ Xây dựng ý kiến về dự án được phân lô bán nền
Trong nội dung trả lời kiến nghị của cử tri về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền, Bộ Xây dựng cho biết, tại Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền là phù hợp với quy định điểm a Khoản 1 Điều 194 Luật Đất đai.
Nhiều dự án phân lô bán nền khi chưa đủ điều kiện pháp luật quy định.
Theo Bộ Xây dựng, đối với các dự án đầu tư phát triển đô thị, pháp luật cũng đã quy định rõ các trách nhiệm cụ thể chủ đầu tư dự án phải thực hiện bao gồm việc xây dựng các công trình trong dự án theo quy hoạch được duyệt. Năm 2013, căn cứ thực tiễn quản lý phát triển đô thị tại các địa phương và nhu cầu của người dân khi mua nhà ở tại các dự án đầu tư phát triển đô thị, Chính phủ đã ban hành quy định cho phép người dân có thể tự xây dựng nhà ở trong dự án thay vì chủ đầu tư phải xây dựng.
Tiếp đó, tại Điều 4 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định UBND cấp tỉnh quy định cụ thể khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Đối với các khu vực còn lại, chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị phải xây dựng công trình theo quy hoạch dự án rồi mới tiến hành kinh doanh theo quy định của pháp luật…
UBND cấp tỉnh căn cứ yêu cầu quản lý và hình thành đồng bộ kiến trúc cảnh quan đô thị để xem xét, quyết định khu vực cụ thể được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở. Các điều kiện về chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Hiện nay, các địa phương vẫn đang áp dụng thực hiện đối với các dự án đầu tư phát triển đô thị.
DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: