Top

HUD được giữ hàng nghìn m2 đất: Vô lý

Cập nhật 02/10/2019 08:15

Liên quan tới việc HUD được Bộ Xây dựng đồng ý cho giữ lại hàng nghìn m2 đất, Bộ Tài chính phản đối, chuyên gia yêu cầu phải quyết liệt.

Một tòa nhà HUD đang sử dụng, quản lý. Ảnh: VietnamFinance

PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà đô thị (HUD) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng quản lý.

Hiện công ty này đang quản lý 21 cơ sở nhà, đất ở Hà Nội, với diện tích mỗi cơ sở hàng nghìn m2. Đây là nguồn lực rất lớn, phải được quản lý chặt chẽ, theo đúng quy định.

Theo PGS Lê Cao Đoàn, khi HUD còn là doanh nghiệp nhà nước, việc nắm giữ, quản lý các cơ sở nhà đất là nhằm mục đích xây dựng trụ sở, cơ sở phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, khi thực hiện cổ phần hóa, tài sản đất đai phải được bàn giao lại cho nhà nước và địa phương quản lý, doanh nghiệp chỉ được thực hiện cổ phần hóa những tài sản có giá trị trên đất.

Do đó, việc Bộ Xây dựng cho phép HUD giữ lại những lô đất với diện tích hàng nghìn m2 là vô lý, đi ngược với quy định quản lý đất đai của nhà nước.

Ông Đoàn cho rằng, cần phải làm rõ mục đích của Bộ Xây dựng khi cho phép doanh nghiệp trực thuộc được giữ lại hàng nghìn m2 khi thực hiện cổ phần hóa. Việc này còn liên quan tới nguồn lực, tài sản của quốc gia.

"Bộ Xây dựng chỉ là đơn vị thay Chính phủ quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn giữ lại đất phải bỏ tiền ra mua, thuê lại trên nguyên tắc tham gia đấu thầu công khai, không phải ai muốn giữ là được giữ.

Có khuất tất, có lợi ích, sân sau hay không? Nếu không rõ ràng, rành mạch, rất dễ nảy sinh những nghi ngờ", ông Đoàn nhấn mạnh.

Nhắc lại những lùm xùm của DNNN trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, ông Đoàn cho biết hầu hết các DNNN đều làm ăn thua lỗ, sau đó xin giữ lại đất đai, trụ sở rồi trong quá trình thực hiện cổ phần hóa thì cố tình định giá thấp để hóa giá, chuyển nhượng gây thất thoát, thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Điển hình là một ví dụ về Tổng Công ty CP Sông Hồng (cũng trực thuộc Bộ Xây dựng) cũng lấy lý do thua lỗ rồi cầu cứu xin được thoái vốn ngay trong năm 2019.

Đáng nói, doanh nghiệp này đã thực hiện cổ phần hóa với tỉ lệ nhà nước nắm giữ 49% vốn sở hữu và đang nắm giữ trụ sở đất vàng với diện tích hàng nghìn m2. Nếu việc thoái vốn diễn ra ngay trong năm nay, tức là tại thời điểm doanh nghiệp này làm ăn bết bát, mất khả năng thanh toán thì đồng nghĩa việc định giá giá trị doanh nghiệp cũng rất bèo bọt, thậm chí không có người mua.

Ông Đoàn cảnh báo, nếu không thận trọng, sẽ mắc bệnh giả "lỗ" của doanh nghiệp để thoái vốn và như vậy nhà nước có thể sẽ lại mất thêm nhiều lần nữa.

Do đó, việc định giá đất đai phải rất rõ ràng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường và cơ chế giá cả tại thời điểm hiện tại để so sánh.

Đối với trường hợp của HUD, vị chuyên gia cho rằng phải tách bạch hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với việc quản lý đất đai. Tuyệt đối không để những sai lầm trong quá khứ được lặp lại, không tạo cơ hội cho doanh nghiệp "ăn mòn" vào đất.

Theo đó, Bộ Xây dựng chỉ quản lý doanh nghiệp, tài sản đất đai do Bộ Tài chính quản lý.

"Kiểu phản ứng "đất đai đáng lẽ là tài sản của tôi nhưng giờ cổ phần hóa, nó không còn là của tôi nữa thì tôi phải hét lên" là không hợp lý.

Bộ Tài chính phải kiên quyết, quyết liệt, thu hồi lại đất đai cho nhà nước trong trường hợp này", ông Đoàn nói.

Một số lô đất HUD đang nắm giữ bao gồm: toà nhà Văn phòng HUD Tower, số 37 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (diện tích 6.500 m2)

Văn phòng điều hành Ban quản lý dự án khu vực I tại Khu đô thị mới Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm (diện tích đất gần 1.800 m2) và lô đất nữa thuộc Khu dịch vụ Tổng hợp và nhà ở Hồ Linh Đàm (1.700 m2 đất).

Có 5 cơ sở của HUD đang làm bãi đỗ xe với diện tích 2.400 m2 tại nhiều địa chỉ khác nhau.

Một kiot tại Phương Liệt, diện tích hơn 100 m2...
 

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đất việt