Top

‘Neo’ dự án 12 tháng nếu không công khai pháp lý

Cập nhật 01/10/2019 14:15

Các chuyên gia đề xuất cần tập trung thông tin pháp lý các dự án bất động sản về một đầu mối để người mua nhà dễ dàng tiếp cận.

Chủ đầu tư phải công khai thông tin pháp lý dự án hình thành trong tương lai ở UBND phường, xã. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước thực trạng nhiều dự án bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai huy động vốn trái pháp luật, chưa đủ điều kiện pháp lý đã mở bán. Mới đây, UBND TP.HCM đã gửi văn bản đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ đưa ra quy định xử lý nghiêm các chủ đầu tư (CĐT) không công bố, công khai pháp lý của dự án.

Người mua nhà tránh được rủi ro

TP kiến nghị Bộ Xây dựng quy định CĐT phải thực hiện thông báo công khai thông tin về BĐS hình thành trong tương lai tại UBND các quận, huyện nơi dự án được triển khai. Cùng với đó, bổ sung hình thức chế tài đình chỉ hoạt động đến 12 tháng đối với CĐT không công khai thông tin dự án đang thế chấp ngân hàng, chưa có văn bản của Sở Xây dựng về nhà ở đủ điều kiện để bán, cho thuê mua… Trong thành phần hồ sơ, TP đề nghị Sở Xây dựng có văn bản thông báo BĐS đủ điều kiện được bán, cho thuê mua phải có “hợp đồng bảo lãnh của tổ chức tín dụng”.

UBND các quận, huyện có trách nhiệm đưa ra các hình thức thông tin tuyên truyền qua trang thông tin điện tử, dán thông báo tại UBND phường, qua đường dây nóng, bộ phận địa chính phường, qua ứng dụng công nghệ thông tin và công tác giám sát CĐT tại địa bàn.

Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tư pháp xem xét, đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định đối với giao dịch BĐS hình thành trong tương lai theo hướng phải công chứng để đảm bảo tính chặt chẽ (cập nhật, theo dõi, tra cứu cơ sở dữ liệu công chứng), bảo vệ quyền lợi của khách hàng và phòng ngừa vi phạm của doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết quy định các điều kiện để dự án BĐS hình thành trong tương lai được bán, cho thuê mua đã có trong luật rồi. Thực tế, năm 2018, Sở TN&MT cùng với Sở Xây dựng đã công khai các dự án có thế chấp ngân hàng. Đây là quy định cần thiết để người mua nhà có thông tin rõ ràng về dự án, tránh rủi ro.

Tuy nhiên, thời gian qua, các ngân hàng cũng lơ là chuyện bảo lãnh vì nếu thực hiện sát quá thì chính ngân hàng cũng vào thế khó, không đủ nguồn lực để bảo lãnh cho nhiều dự án BĐS quy mô lớn một lúc. Ví dụ, dự án quy mô vài ngàn tỉ đồng thì ngân hàng có vốn 10.000 tỉ đồng chỉ bảo lãnh được 1-2 dự án mà thôi.

“Việc thế chấp ngân hàng không có gì là bí mật nhưng việc cập nhật công bố thông tin dự án thế chấp, giải chấp phải được cơ quan nhà nước cập nhật kịp thời để người mua nhà nắm rõ” - ông Châu góp ý.

Đại diện một công ty BĐS thì cho rằng “án phạt” cần hợp lý trong từng trường hợp. Thường CĐT có nhiều dự án nên không thể vì một dự án chưa công khai đầy đủ pháp lý mà đình chỉ hoạt động kinh doanh của họ. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, người mua nhà và cả ngân hàng.

Cần một đầu mối công khai

Theo luật sư Bùi Quang Tín, Đoàn Luật sư TP.HCM, công khai thông tin pháp lý về dự án như đã thế chấp, có bảo lãnh… là rất cần thiết cho khách hàng. Điều quan trọng là hình thức công khai những thông tin đó như thế nào để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt.

“Theo tôi, có nhiều cách thức, nhiều kênh để công khai. Ví dụ như trên các thông báo của Sở Xây dựng, ngân hàng... Bên cạnh việc buộc các CĐT công khai thông tin pháp lý đầy đủ tại vị trí dự án thì quan trọng nhất vẫn phải tập trung thông tin về một đầu mối. Làm sao để có kênh chính thống, thuận lợi nhất để ai cũng tiếp cận được” - ông Tín nói.

Ông Tín cho rằng quy định chế tài nặng như buộc ngưng kinh doanh 12-24 tháng chưa chắc hiệu quả bằng việc tập trung một đầu mối thông tin tại Sở Xây dựng. Bây giờ người mua nhà hầu hết tiếp cận tốt công nghệ thông tin. Do đó, website của Sở Xây dựng, các ngân hàng bảo lãnh nên cập nhật đầy đủ thông tin các dự án BĐS để người dân vào là thấy. Trách nhiệm CĐT dự án là phải cập nhật thông tin, nếu không Sở Xây dựng giám sát, xử lý.

“Quan trọng nhất vẫn là thay đổi cách thức quản lý, giải pháp hiệu quả chứ chế tài chỉ là một phần” - ông Tín góp ý.

Cần chính quyền hỗ trợ, hướng dẫn

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, hiện nay không chỉ người mua nhà gặp rủi ro mà chính CĐT cũng đang gặp nhiều rủi ro về chính sách, thủ tục do những quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật với nhau. Điều cần làm là cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ, hướng dẫn cho doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý để dự án được triển khai nhanh, đúng tiến độ và người dân nhanh chóng được nhận nhà ở.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO