Top

Hà Nội sắp đấu giá quỹ đất đối ứng của hơn 40 dự án BT

Cập nhật 05/12/2013 08:41

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo sau khi rà soát các dự án BT trên địa bàn thành phố.

Dù chưa công bố chính thức nhưng có thể hình dung, tổng quỹ đất đối ứng dự kiến đối với 47 dự án BT trên địa bàn Hà Nội phải lên tới hàng chục nghìn ha - Ảnh minh họa.

Theo đó, có 4 dự án sẽ phải dừng triển khai gồm: đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, tuyến đường Lê Đức Thọ nối với Xuân Phương, đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ và đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây cũ.

Được biết, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ là dự án tuyến đường BT do Cienco5 là chủ đầu tư. Các dự án khu đô thị đối ứng là Thanh Hà A, Thanh Hà B và khu đô thị mới Mỹ Hưng. Tuyến đường có tổng chiều dài 41,5 km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.076 tỷ đồng.

Trong khi đó, dự án đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây cũ do Tập đoàn Nam Cường là nhà đầu tư, khởi công từ tháng 7/2007 nhưng do thay đổi về quy hoạch chung Hà Nội nên dự án đến nay vẫn chưa khởi công. Dự án có chiều dài 63,3 km, mặt đường rộng 42 m, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 7.600 tỷ đồng.

Dự án đường nối từ Lê Đức Thọ tới Xuân Phương do Công ty Tasco (HUT) là chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 3,51km, quy mô 8 làn xe, đi qua xã Xuân Phương, thị trấn Cầu Diễn và xã Mỹ Đình. Tổng mức đầu tư 1.470 tỷ đồng, dự án khởi công từ 1/2009 đến nay đoạn từ Lê Đức Thọ tới cầu qua sông Nhuệ đã hoàn thiện.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo giao cho cơ quan quản lý hợp đồng phối hợp với nhà đầu tư rà soát, thanh lý hợp đồng và đề xuất các giải pháp xử lý tồn tại theo quy định.

Đối với 2 dự án tuyến đường Đỗ Xá – Quan Sơn và tuyến đường nối từ Thành cổ Sơn Tây đến Đền Và, đây là 2 dự án đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa triển khai thực hiện, nên lãnh đạo thành phố cũng giao các sở ngành chức năng tiến hành thủ tục chấm dứt hợp đồng, đề xuất biện pháp xử lý.

Đáng chú ý, thành phố cũng thống nhất không thực hiện theo hình thức BT đối với 41 dự án khác như tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, trụ sở làm việc các hiệp hội, đường vành đai 4, Công viên Đống Đa, tuyến trục Tây Thăng Long đoạn qua Phúc Thọ… Do đó, quỹ đất đối ứng dự kiến cho các dự án này sẽ giao lại cho các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan, rà soát và thực hiện các thủ tục để chuẩn bị đấu giá hoặc đấu thầu dự án.

Với 9 dự án khác như tuyến vành đai 2 Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, nút giao thông quận Long Biên, công viên hồ điều hòa trong khu đô thị mới Cầu Giấy…đã giao chủ đầu tư thì các cơ quan chức năng chủ động đôn thúc đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy