TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt có quy mô rất lớn ở nhiều nguồn lực, lĩnh vực, trong đó có dân số. Với quy mô số dân đông nhất cả nước như hiện nay, đó vừa là nguồn lực để phát triển song cũng là bài toán nan giải trong giải quyết nhu cầu về nhà ở. Vấn đề này đòi hỏi thành phố kịp thời có những giải pháp tổng thể, phù hợp quy hoạch cũng như đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Nhu cầu về căn hộ, nhà ở của người dân là rất lớn. Trong ảnh: Một dự án căn hộ chung cư cao tầng trên Xa lộ Hà Nội, quận 9, TP Hồ Chí Minh.
Cung cầu quá chênh lệch
Theo số liệu điều tra dân số mới nhất TP Hồ Chí Minh hiện có chín triệu dân. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tính cả số lượng người đang học tập, làm việc, sinh sống,… thì quy mô này lên tới hơn 13 triệu dân. Tốc độ tăng 200 nghìn người/năm khiến mật độ dân số trung bình của thành phố hiện gấp 14,7 lần mật độ dân số cả nước. Với mức tăng như vậy, tỷ lệ này chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới. Nhu cầu về nhà ở hiện nay của người dân trên địa bàn thành phố là rất lớn song khả năng đáp ứng còn hạn chế.
Sở Xây dựng thành phố dự báo, giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu nhà ở của người dân thành phố là 40 triệu m2 sàn; giai đoạn 2021 - 2025 là 45 triệu m2 sàn; giai đoạn 2026 - 2030 là gần 51 triệu mét vuông sàn và giai đoạn 2031 - 2035 là gần 57 triệu mét vuông sàn. Hiện thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống nhờ gia đình khác, chiếm gần một phần tư tổng số hộ gia đình. Trong số này, có khoảng 20 nghìn hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở, 300 nghìn hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143 nghìn hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, hơn 20 nghìn hộ sống trên và ven kênh rạch.
35 nghìn hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư.
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), hiện nay, nhiều hộ gia đình vẫn chưa có nhà ở hoặc phải ở trong nhà tạm, diện tích nhà bình quân dưới mức tối thiểu. Nhu cầu về căn hộ nhỏ có giá khoảng một tỷ đồng là rất lớn nhưng trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu này rất khó đáp ứng. Mức giá căn hộ hiện nay phần lớn đều nằm ngoài "tầm với" của không ít người dân.
Theo HoREA, năm 2017, toàn thành phố có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với gần 43 nghìn căn, trong đó tỷ lệ phân khúc cao cấp chiếm 25,5%; phân khúc trung cấp chiếm 45,5%; phân khúc bình dân chiếm 29,1%. Năm 2018, trong 77 dự án nhà ở với hơn 28.300 căn, phân khúc cao cấp chiếm 30%, tăng 4,5%; phân khúc trung cấp chiếm 45,3% và phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7%, giảm 4,4% so với năm 2017. Thị trường căn hộ từ đầu năm đến nay còn ảm đạm hơn khi các doanh nghiệp chưa có những dự án mới để giới thiệu ra thị trường. Về định hướng phát triển nhà ở của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2035 là phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, khai thác cao nhất hiệu quả của công nghệ thông tin, tiện ích của đô thị, nhà ở theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững… Ðó là một thách thức đối với thành phố trong bối cảnh hiện nay.
Cần các giải pháp đồng bộ
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm các căn hộ có giá khoảng một tỷ đồng là do thiếu quỹ đất với mức giá hợp lý để phát triển dự án.
Hiện tại, giá đất tại TP Hồ Chí Minh rất cao cho nên thành phố có thể tính đến việc phát triển các khu đô thị vệ tinh, được kết nối giao thông thuận tiện, tiện ích đa dạng phục vụ đời sống của người dân. Và để người dân tiếp cận được các dự án này, thành phố cũng cần có những chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người mua nhà và hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành Lê Hữu Nghĩa thì đề xuất, thành phố cần tối ưu hóa vấn đề xử lý các thủ tục về pháp lý để doanh nghiệp rút ngắn thời gian xây dựng khu căn hộ. Với thời gian hơn 5 năm để hoàn thành một dự án như hiện nay thì khó đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố, nhất là khi cứ 5 năm số dân tăng một triệu người.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nhiều nước đang tập trung vào mô hình nhà ở cộng đồng dành cho người có thu nhập thấp và trung bình. Việc phát triển nhà ở cần phải phù hợp nguồn thu nhập của người dân, không chỉ ưu tiên vị trí, mà còn cần cả sự đa dạng các loại hình. Giáo sư Yap Kioe Sheng, Viện Công nghệ châu Á nêu quan điểm, việc cung cấp nhà ở và tạo việc làm là hai vấn đề không thể tách rời trong nỗ lực hỗ trợ nơi ở cho người dân. Giáo sư Yap Kioe Sheng nêu dẫn chứng: Năm 1980 tại Thái-lan, chính quyền đã xây dựng hàng nghìn ngôi nhà cho người thu nhập thấp và trợ giá với mức thuê nhà chỉ 10 - 15 USD/tháng (khoảng 230.000 - 350.000 đồng/tháng) để tái định cư cho những người sống tại các khu ổ chuột. Sau 10 - 15 năm, 50% số căn hộ này đã được chuyển giao cho người có thu nhập trung bình. Ðiều này cho thấy, việc trợ giá đã chuyển cho đối tượng khác chứ không phải người thu nhập thấp.
Có thể nói, vấn đề nhà ở và các giải pháp phát triển nhà ở để bảo đảm an sinh xã hội, nhất là nhà ở xã hội, cho thuê nhà giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị đặc biệt với mức độ đô thị hóa cao như TP Hồ Chí Minh. Trong định hướng thời gian tới, UBND thành phố cho biết, phát triển nhà ở phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị, gắn liền với quy hoạch kinh tế - xã hội của thành phố, khu vực, vùng, miền.
Các giải pháp cần được triển khai đồng bộ để vừa giải được bài toán về nhà ở đồng thời phù hợp quy hoạch của thành phố. Trong việc giải bài toán này, Nhà nước mang tính định hướng, doanh nghiệp là nguồn lực phát triển và người dân sẽ là trung tâm của mọi chính sách. Thành phố cũng sẽ tập trung nghiên cứu sâu hơn để quy hoạch những khu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp thông qua việc nghiên cứu bổ sung thêm cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư; tập trung nghiên cứu việc thực hiện tốt hơn cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ cho người thu nhập thấp có nhà ở, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư;…
DiaOcOnline.vn – Theo Nhân dân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: