Top

Tại sao dân đổ đống cát nhỏ là có người đến ngay, nhưng công trình đồ sộ sai thì không? 19/09/2019 08:50 GMT+7

Cập nhật 20/09/2019 14:00

Theo nghị định 139, từ ngày 1-1-2018 không cho phép phạt cho tồn tại; nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.

Công trình xây dựng sai phép ở quận Thủ Đức (TP.HCM), nhiều cán bộ bị kỷ luật sau sự việc này - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng.

Tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng: "Nhiều khu đô thị khi xin cấp phép cũng bài bản, nhưng vẫn sinh ra những khu đô thị ngập nước, khu đô thị không có đường, rồi đủ thứ vi phạm. Cứ tình trạng như thế này thì không biết 5-7 năm nữa các đô thị của chúng ta có hiện trạng giao thông thế nào".

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề những công trình vi phạm, đặc biệt là các công trình sai phép, không giấy phép tồn tại suốt thời gian dài nhưng chậm được xử lý hoặc phạt cho tồn tại.

"Đề nghị đánh giá rõ thực trạng này. Tại sao cứ người dân đổ đống gạch, đống cát nhỏ là có người đến ngay, nhưng những công trình đồ sộ sai phạm rõ thì lại không thấy người có trách nhiệm ở đâu?" - bà Nga nói.

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận: "Những tồn tại, bức xúc mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói về lĩnh vực xây dựng là hoàn toàn xác đáng. Như chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói, thanh tra quy định trong Luật thanh tra, xử phạt hành chính... cũng có quy định. Chúng tôi tổ chức thực hiện luật còn sai phạm, cụ thể như thanh tra Bộ Xây dựng vừa rồi thì phải xử lý rất nghiêm theo quy định".

Đối với việc có phạt cho tồn tại hay không, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định: "Theo nghị định 139 thì từ ngày 1-1-2018 là không cho phép phạt cho tồn tại. Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định, chứ không phạt cho tồn tại nữa".

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ