Top

Dùng tiền ngân sách thanh toán cho dự án BT: Vẫn chưa có quy định khung pháp luật?

Cập nhật 23/09/2019 08:15

HoREA cho rằng, chưa có khung pháp luật cụ thể để thực hiện quy định Nhà nước sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" thanh toán Dự án BT.



Nghị định 69/2019/NĐ-CP "Quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao" có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.

Trong công văn mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính góp ý về Nghị định 69, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, nội dung một số quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và có thể bị vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Hiệp hội nhận thấy chưa có khung pháp luật cụ thể để thực hiện quy định Nhà nước sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" thanh toán Dự án BT.

Hiện Luật quản lý, sử dụng tài sản công quy định số tiền thu được từ khai thác quỹ đất thuộc ngân sách nhà nước, được bố trí trong kế hoạch đầu tư công và dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước.

"Nếu thực hiện thanh toán dự án BT theo quy trình của Luật Đầu tư công thì rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian", HoREA cho biết.

Theo HoREA, Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 63/2018/NĐ-CP không quy định phương thức sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán dự án BT là chưa đầy đủ.

Bởi lẽ, hợp đồng BT về bản chất là Nhà nước mua lại công trình BT của nhà đầu tư (thuộc loại dự án mua tài sản theo Điều 6 Luật Đầu tư công). Nhà đầu tư dự án BT bỏ tiền thực hiện xây dựng công trình trước. Nhà nước tiếp nhận công trình và thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư.

"Dùng “tiền” để thanh toán dự án BT là phương thức thanh toán phổ biến, đảm bảo nguyên tắc ngang giá đối với các dự án BT, cần được bổ sung vào Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Tương tự như trường hợp chủ đầu tư giao thầu trọn gói cho nhà thầu thực hiện công trình, sau khi bàn giao công trình thì mới được thanh toán", HoREA kiến nghị.

Bên cạnh đó, HoREA cũng cho biết, Nghị định 69/2019/NĐ-CP đã quy định trường hợp bán đấu giá tài sản công để lấy nguồn thanh toán cho Hợp đồng BT. Đây là quy định hoàn toàn mới, cho phép sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán dự án BT.

Tuy nhiên lại quy định "việc sử dụng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước", mà Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước chưa có quy định về dùng tiền ngân sách để thanh toán dự án BT.

Theo HoREA, phương thức Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để nhà đầu tư thực hiện "dự án khác" là cần thiết. Đặc biệt trong trường hợp quỹ đất công chưa giải phóng mặt bằng, hoặc trường hợp Nhà nước chưa có sẵn tiền để thanh toán cho nhà đầu tư, hoặc trường hợp Nhà nước chưa tổ chức đấu giá quỹ đất, trụ sở làm việc.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của nền kinh tế trao đổi hàng hóa thì phương thức "vật đổi vật", "hàng đổi hàng" là phương thức trao đổi thô sơ. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại thì phương thức trao đổi "hàng - tiền" hoặc “tiền - hàng” là phổ biến, trong đó "tiền là vật ngang giá", đảm bảo yếu tố "ngang giá" và tính khách quan.

Theo đó, HoREA kiến nghị bổ sung phương thức sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán dự án BT vào Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 63/2018/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất với Nghị định 69/2019/NĐ-CP.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí