Top

Dự án trọng điểm dàn hàng... chậm tiến độ

Cập nhật 01/06/2020 10:08

Hàng loạt dự án giao thông cấp bách, nhất là các dự án tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang chậm tiến độ từ 15 - 25%, thậm chí có dự án nguy cơ bị cắt kinh phí cho phần còn lại.

Dự án cao tốc Long Thành - Bến Lức (đoạn qua H.Nhà Bè, TP.HCM) - ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Cao tốc đang “tiến độ rùa”

Đó là thực trạng đáng ngại trong báo cáo về “tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải” vừa được Chính phủ báo cáo lên Quốc hội. Trong đó, khó khăn nhất và cũng là vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ các đại dự án chính là công tác giải phóng mặt bằng và câu chuyện thu xếp vốn.

Điển hình là dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây là công trình với chiều dài là 57,8 km, có tổng mức đầu tư hơn 31.300 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA. Tổng công ty phát triển đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư. Dù được khởi công từ giữa năm 2014 và kế hoạch hoàn thành năm 2020 song đang gặp phải những “nút thắt” lớn.

Tính đến cuối tháng 5.2020, tiến độ dự án đã chậm 17,63% so với kế hoạch. “Đặc biệt, các gói thầu vốn vay ADB có nguy cơ không hoàn thành dự án trước thời hạn kết thúc Hiệp định khung của dự án vào ngày 14.12.2020, khi đó sẽ không có kinh phí để thi công khối lượng còn lại”, Bộ GTVT lo ngại. Tuy nhiên, dự án vẫn còn những khó khăn vướng mắc như: chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện; Hiệp định vay (số 3391-VIE) chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ kết thúc nên việc hoàn tất các thủ tục để gia hạn cần phải rất khẩn trương. Theo yêu cầu của ADB, việc gia hạn Hiệp định vay ADB lần 2 chỉ có thể thực hiện được khi Chính phủ có công thư chính thức đề xuất ADB gia hạn trước ngày 31.5.2020 (30 ngày trước ngày đóng hiệp định vay).
Dự án cao tốc Long Thành - Bến Lức (đoạn qua H.Nhà Bè) - ẢNH: NGỌC DƯƠNG - ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN

Tương tự, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT, được quan tâm đặc biệt để nối TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL song tiến độ cũng không khả quan hơn. Dù các nhà thầu đã tập trung huy động máy móc triển khai thi công ở toàn bộ các gói thầu xây lắp chính (25/36 gói thầu) song đến nay, dự án có tổng mức đầu tư 12.668 tỉ đồng này mới đạt khoảng 40% sản lượng thi công.

Điều này nghĩa là dự án đã chậm khoảng 25% theo kế hoạch, và cái đích hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng vào quý 2 năm sau đang là thách thức rất lớn với liên danh các nhà thầu gồm Công ty đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty đầu tư xây dựng BMT - Công ty đầu tư cầu đường CII.

Trong khi đó, đại dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông (nhất là 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP) thậm chí chưa thể xác định được ngày về đích trên giấy tờ. Lý do là các dự án đang được Chính phủ kiến nghị chuyển sang đầu tư công và tiến độ phụ thuộc vào thời điểm Quốc hội có nghị quyết chuyển đổi hình thức sang đầu tư công. Bộ GTVT cho biết trường hợp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì dự kiến sẽ phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 6.2020 và phấn đấu hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 11.2020.

Tuy nhiên, hiện nay khâu giải phóng mặt bằng cũng đang có nhiều nút thắt. Do khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn nên việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn chậm, vì thế không đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng trong quý 2/2020.

Công tác bàn giao mặt bằng mới đạt khoảng 78%, song còn nhiều địa phương đạt rất thấp, như tỉnh Thanh Hóa (các dự án Mai Sơn - QL45; QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu) mới đạt 65,4%; tỉnh Đồng Nai (dự án Phan Thiết - Dầu Giây) mới đạt 58,3%. Thậm chí như tỉnh Khánh Hòa (dự án Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo) mới giải phóng được 16/54,1 km, chỉ đạt 29,6%.

Ì ạch giải ngân 2 tuyến metro của TP.HCM

Trong khi các dự án cao tốc ì ạch với khâu giải phóng mặt bằng, thi công thì 2 tuyến đường sắt đô thị (metro) của TP.HCM lại đang đau đầu với câu chuyện vốn. Cụ thể, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên theo kế hoạch phải hoàn thành trong quý 4/2021 song riêng phần quan trọng nhất là giải ngân vốn thì từ đầu năm 2020 đến nay chỉ vỏn vẹn đạt 4%, tương ứng với khoản tiền 525,3/13.202 tỉ đồng (đã bao gồm giải ngân từ nguồn tạm ứng ngân sách TP).

Tính từ đầu dự án đến nay tỷ lệ cũng mới đạt 57,7% với con số 18.323,2/31.774,5 tỉ đồng. Còn về khối lượng thi công thì tổng khối lượng thực hiện của dự án đạt 72,3%. Dù vậy, khó khăn, vướng mắc lớn của dự án là việc chủ trương vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ vẫn chưa được Thủ tướng thông qua. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chưa triển khai ký kết hợp đồng cho vay lại đối với hợp đồng cho vay lại vốn vay ODA đối với các hiệp định vay đã ký.

Đây cũng chính là vướng mắc chung của dự án tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương. Dù dễ thở hơn một chút khi dự án này có thời hạn hoàn thành tới năm 2026, tuy nhiên công tác giải ngân cũng đang khiến các cơ quan chức năng sốt ruột. “Từ đầu dự án đến nay số giải ngân theo kế hoạch đạt 54,1%. Nhưng giải ngân năm 2020 là 0/632 tỉ đồng theo kế hoạch, đạt 0%”, báo cáo của Chính phủ cho biết. Theo Bộ GTVT, vướng mắc hiện ở chỗ chủ trương vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ cũng chưa được Thủ tướng thông qua. Cùng với đó, đề nghị gia hạn thời gian giải ngân đối với khoản vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cũng chưa được Bộ Tài chính có ý kiến.

Do đó, đối với 2 dự án đường sắt đô thị, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có ý kiến thẩm định chủ trương vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ và gia hạn thời gian giải ngân đối với khoản vay của Ngân hàng KfW đến năm 2027 cho dự án tuyến số 2.

Còn với tuyến số 1, ngành giao thông đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ, xem xét có ý kiến thẩm định chủ trương vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ ký kết hợp đồng cho vay lại. Bộ KH-ĐT xem xét thống nhất giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách T.Ư bằng yen Nhật theo ý kiến của Bộ Tài chính và bố trí vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách T.Ư năm 2020 cho dự án.

Sân bay Long Thành: Chưa thi công đã chậm 3 tháng

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ GTVT cho hay dự kiến trong tháng 6.2020, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt dự án đầu tư.

Như vậy, tiến độ thẩm định và trình duyệt dự án đến lúc này đã chậm hơn 3 tháng so với yêu cầu của Chính phủ. Đó là dự án (thành phần) báo cáo nghiên cứu khả thi. Còn dự án (thành phần) giải phóng mặt bằng cũng không khá hơn.

Bộ GTVT cho biết tiến độ công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 chuyển biến chậm, khó đảm bảo theo kế hoạch. Hiện vẫn còn 151 hộ dân chưa xác định được chủ sở hữu nên khó khăn trong công tác triển khai. Đối với các khu tái định cư, hiện tại 3/5 dự án thành phần vẫn chưa được phê duyệt nên tiến độ chưa đáp ứng theo kế hoạch.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên