Top

Diện mạo mới ở một quận ven

Cập nhật 14/07/2010 08:40

Khi được hỏi về những đổi thay nào dễ nhận ra nhất trên quê hương An Phú Đông - Vườn Cau Đỏ - nay là quận 12, TPHCM những năm qua, ông Nguyễn Đình Phú, một cựu chiến binh có hơn 40 năm tuổi Đảng đã không ngần ngại nói ngay, đó là bộ mặt đô thị mới ở một quận ven đang từng ngày đổi thay.

Như để minh chứng cho những điều vừa nói, ông Phú dẫn chúng tôi đi một vòng qua các tuyến đường An Phú Đông 01, Vườn Lài, Thạnh Xuân 14… với những dãy phố mọc lên san sát, nơi mà cách nay chỉ vài năm còn là vùng đất nắng bụi, mưa ngập…


Đường Tô Ký quận 12 rộng rãi đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Cao Thăng

Xã hội hóa nguồn lực

Đường Vườn Lài có chiều dài hơn 1km đi từ quốc lộ 1A đến phà Vàm Thuật sang quận Gò Vấp được cho là tuyến đường huyết mạch của phường An Phú Đông. Thế nhưng, từ những năm 2005 trở về trước, khu vực này là “vùng trắng” (trắng cầu, đường giao thông, trắng trường học, nước ngập trắng đồng…). Đã có không dưới 10 kỳ họp của HĐND quận và cả HĐND TP, con đường này được đưa ra thành một chương trình nghị sự để bàn thảo các giải pháp chống ngập, chống “trắng”.

Trong khi chờ kinh phí của TP rót về, một “nghị quyết” của cả hệ thống chính trị từ phường đến quận được thông qua với phương châm “Lấy sức dân lo cho dân”. Phong trào hiến đất, hiến công, hiến của được phát động đến từng hộ dân. Người có đất hiến đất, người không có đất hiến ngày công lao động, hiến gạch, đá, xi măng làm cống, làm đường. Chỉ một thời gian ngắn, kết hợp với nguồn kinh phí của quận, con đường được hoàn thành với giá trị hơn 5 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 30% giá trị từ người dân đóng góp. Đường sá khang trang, đã giải quyết cơ bản việc trắng đường và ngập trắng.

Từ con đường mới ấy chỉ hơn 1 năm sau nhiều công trình nhà cửa, trường học, phố chợ mọc lên, đã tạo thành diện mạo mới cho vùng trũng và vùng “trắng” xưa kia.

Tổng kết 5 năm thực hiện “nghị quyết” sức dân, anh Trần Văn Tấn, Chủ tịch UBND phường An Phú Đông nói: “Cái được lớn nhất của tuyến đường Vườn Lài là biết khai thông được sức mạnh từ dân. Kinh nghiệm này được phổ biến trong toàn phường với 5 năm huy động được sức dân gần 6 tỷ đồng và hơn 14.000m² đất để thực hiện hơn 20km đường giao thông và nhiều công trình dân sinh khác”.

Từ kinh nghiệm và cách làm của phường An Phú Đông, Ban Chấp hành Đảng bộ quận 12 đã triển khai trong toàn quận cũng với chủ trương “Lấy sức dân lo cho dân”. Điển hình như tại các phường: Thới An, Tân Thới Hiệp, Tân Chánh Hiệp, Tân Thới Nhất…, trong nhiệm kỳ qua đã có hàng trăm tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa theo hình thức xã hội hóa bằng sức dân là chủ yếu.

Trong đó nổi bật là phường Thới An đã làm mới, sửa chữa được 54 tuyến đường, góp phần tạo bộ mặt đô thị mới cho phường trung tâm của quận. Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Thới An Lê Thị Hồng Nga tổng kết: “Nhiệm kỳ qua, người dân đã hiến 35.675m² đất có giá trị hơn 153 tỷ đồng để mở đường, xây trường và nhiều công trình phúc lợi dân sinh khác. Đây là con số không nhỏ nói lên cách nghĩ và cách làm mới của Đảng bộ phường đã uyển chuyển trong việc biến nghị quyết của Đảng gắn liền với sức mạnh của dân để tạo thành những nguồn lực cho phát triển”.

Tăng tốc phát triển đô thị

Nếu nhiệm kỳ trước Ban Chấp hành Đảng bộ quận 12 đặt ra mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, thì trong nhiệm kỳ này quận xác định nhiệm vụ phát triển đô thị theo hướng trở thành quận đô thị của TP làm trọng tâm.

Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các công trình phục vụ đời sống dân sinh, các công trình trọng điểm tạo bộ mặt cho quận như: bờ hữu sông Sài Gòn, rạch Tham Lương - Bến Cát, cống Vàm Thuật… Đặc biệt, quận đặt ra mục tiêu phấn đấu nhựa hóa 100% các tuyến đường giao thông và hoàn thành các công trình kiên cố hóa hệ thống đê bao phòng chống triều cường, ngập lụt. Đây là mục tiêu mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền với nguyện vọng của người dân biến vùng đất giàu truyền thống cách mạng trở thành quận đô thị có tốc độ tăng trưởng cao của TP.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo đồng chí Đặng Văn Cường, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận 12, một trong những giải pháp được đưa ra bàn bạc, quyết định trong đại hội lần này, cũng chính là làm sao huy động được mọi nguồn lực trong dân theo phương châm “Lấy sức dân lo cho dân”.

Trong hơn 100 chương trình, công trình trọng điểm mà quận xác định thực hiện trong nhiệm kỳ 2010-2015, phần lớn là phát triển đô thị phục vụ đời sống dân sinh. Trong đó, chủ trương xã hội hóa được chọn là giải pháp đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị. Quận cũng sẽ huy động cả hệ thống chính trị bằng nhiều phương thức và cách làm sinh động nhất để huy động sức dân và nguồn lực toàn xã hội vào chăm lo, nâng cao mức sống của người dân và làm chuyển biến mạnh mẽ bộ mặt mới của một quận đô thị phát triển.

Công trình trọng điểm nhiệm kỳ 2010-2015

Cải tạo, nâng cấp và xây mới 1.054 phòng học của các cấp học.

Xây dựng Trung tâm Thể dục - Thể thao đa năng rộng 5,3ha.

Xây dựng 3 chợ, 12 siêu thị, 21 trung tâm thương mại.

Nhựa hóa 100% tuyến đường giao thông và hoàn chỉnh hệ thống bờ bao phòng, chống triều cường.

Thực hiện xã hội hóa 65 tuyến đường giao thông có chiều dài 65,8km, với số tiền dự kiến huy động khoảng 35 tỷ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng