Người dân kỳ vọng chính quyền có nhiều đề xuất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó cuộc sống của họ nâng lên.
Các dự án giao thông mới sẽ góp phần làm giảm ùn tắc tại TP Hồ Chí Minh.
Nhưng thời gian qua TP Hồ Chí Minh có nhiều đề xuất đưa ra thiếu khả thi, gây bức xúc cho người dân và DN.
Từ những đề xuất thiếu khả thi
Đơn cử mới đây, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu Sàn giao dịch bất động sản (BĐS), DN kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ, các giao dịch bằng tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên của khách hàng.
Nhiều chuyên gia, luật sư, DN đã phản ứng tính thiếu khả thi của văn bản này do ban hành không đúng đối tượng, nội dung không thực tế và không phù hợp văn bản luật liên quan. Đương nhiên công văn của Sở Xây dựng TP phát hành trên cơ sở triển khai thực hiện công văn 1590/BXD-QLN của Bộ Xây dựng (8/7/2019).
Ngay công văn này của Bộ Xây dựng đã có dấu hiệu vi hiến vì Bộ này đã dựa vào cơ sở pháp lý nào để cho mình được quyền theo dõi thông tin người dân có giao dịch BĐS bằng tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên? Mặc dù vậy, trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 15 (tháng 7/2019) về lo ngại của người dân mua căn hộ chung cư bị tắc trong cấp giấy quyền sở hữu do chủ đầu tư đang thế chấp dự án cho ngân hàng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề xuất 2 biện pháp.
Trong đó biện pháp thứ nhất: “Hướng dẫn người dân lập hết diện tích từng căn hộ, sau đó yêu cầu chủ đầu tư phối hợp ngân hàng đưa giấy chứng nhận để cấp cho dân”. Đề xuất nêu trên của giám đốc Sở Xây dựng không thể thực hiện vì chưa phù hợp với quy định về giao dịch bảo đảm.
Điều muốn nói ở đây tại sao dự án đang bị thế chấp ngân hàng mà chủ đầu tư vẫn bán được cho người dân? Trong khi theo Luật Nhà ở năm 2014, Sở Xây dựng phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các dự án chung cư đủ điều kiện bán (không còn thế chấp ngân hàng) để tránh rủi ro cho người dân. Trong khi đó Sở GTVT mới đây đã có văn bản số 4772/SGTVT-KT (ngày 28/6) đề xuất TP cho chủ trương dự án đầu tư công có vốn đầu tư khoảng 250 tỷ đồng để lập vành đai thu phí không dừng ô tô vào trung tâm, dự án sẽ tổ chức thu phí vào năm 2021.
Đề xuất bị nhiều ý kiến phản ứng trái chiều của người dân và DN. Một số chuyên gia giao thông cho rằng mục tiêu giảm ùn tắc giao thông khu trung tâm của dự án là không khả thi vì giảm được chỗ này sẽ ùn chỗ khác. Vì vậy dự án chỉ để tăng nguồn thu cho ngân sách TP nhưng nếu quản lý không tốt có khi TP phải bù chi.
Trước đó đã 2 lần (tháng 12/2016 và tháng 4/2017) TP Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ cho chỉ định thầu dự án xây cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) có vốn đầu tư 5.250 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự kiến được chỉ định thầu là Liên danh Công ty BĐS Phát Đạt – Công ty 620 và Công ty 168. Để được chỉ định thầu theo điều 26 của Luật Đấu thầu, TP đã đưa ra lý do tính cấp bách và đặc biệt của dự án này nhưng chính TP không giải trình được lý do đó trước Bộ KH&ĐT nên dự án phải rút lại.
Đến những đòi hỏi cần sự cẩn trọng Thứ nhất, nhìn một cách tổng quát, nhiều đề xuất của TP Hồ Chí Minh dường như rơi vào trường hợp chưa đáp ứng các điều kiện cần thiết. Thứ hai, một số phương án đề xuất chủ nhân của nó không/chưa giải trình được hiệu quả và tác động của đề xuất đến đối tượng bị tác động.
Chẳng hạn đề xuất lập vành đai thu phí như nói trên, lãnh đạo Sở GTVT từng thừa nhận chưa tính được tính khả thi. Tức là đề xuất nhưng nó khả thi hay không còn ở phía trước. Thứ ba, dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu đội ngũ công chức TP Hồ Chí Minh đang được ăn theo cơ chế đặc thù với mức lương gấp 1,5 lần so với lương công chức cả nước nhưng chất lượng phục vụ có tăng tương ứng? Qua nhiều đề xuất thiếu khả thi nói trên (và chưa nói hết) đủ chứng minh không ít công chức tham mưu Sở, Ban, Ngành của TP “mưu” có vấn đề. Thứ tư, qua liên tục nhiều đề xuất như tăng thuế, phí dịch vụ, phí giao thông, môi trường được cho là bất hợp lý đã có dấu hiệu cho thấy TP Hồ Chi Minh dường như đang biến cơ chế đặc thù TP được hưởng sang cơ chế “tận thu. Thứ năm, có đề xuất tiếng thì phục vụ mục tiêu phát triển chung của TP Hồ Chí Minh nhưng lại bị chi phối bởi các nhóm lợi ích.
Thứ sáu, ngoài các đề xuất bằng văn bản, một số đề xuất bằng lời của quan chức TP trên các diễn đàn hội họp cũng cần đặt ra. Tuy dạng ý kiến đó mang tính cá nhân nhưng được người dân, chuyên gia quan tâm bình luận do phát ngôn của họ khá nhạy cảm với người dân, đòi hỏi người phát ngôn phải cẩn trọng.
DiaOcOnline.vn – Theo KTĐT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: