Top

Đề xuất bỏ quy định chỉ mua nợ xấu bảo đảm bằng nhà đất

Cập nhật 26/06/2013 14:48

Quy định khoản nợ đủ điều kiện để bán hoặc mua lại khi VAMC ra đời có không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản đang gây nhiều tranh luận trái chiều từ phía các ngân hàng.

Gần 10 ngày nữa, công ty mua bán tài sản và xử lý nợ xấu (VAMC) đi vào hoạt động. Song các quy định tại văn bản này, đối với người trong cuộc là các ngân hàng thương mại, vẫn còn nhiều điều cần lưu ý. Điều kiện các khoản nợ được mua, thời hạn xử lý, tỷ lệ trích lập dự phòng, quy định về tài sản đảm bảo cũng như tính khả thi khi đề án VAMC đi vào hoạt động là những băn khoăn được nhiều người đặt ra.

Theo quy định, một trong những khoản nợ đủ điều kiện để được mua là có tài sản bảo đảm, trong đó không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản, bao gồm cả bất động sản hình thành trong tương lai. Dù thế, nhiều ngân hàng cho biết, theo câu chữ của quy định này, nội dung sẽ được hiểu là, chỉ có tài sản bảo đảm bằng bất động sản tỷ lệ 65% trở lên của khoản nợ được coi là đủ điều kiện để khoản nợ này được mua lại.

Theo quy định trong dự thảo thông tư về công ty mua bán nợ (VAMC), một trong những điều kiện để khoản nợ được coi là nợ xấu và tiến hành mua bán là có ít nhất 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản, kể cả bất động sản hình thành trong tương lai. Ảnh minh họa: Lan Anh.

Đại diện ban quản lý tín dụng ngân hàng Hàng hải cho rằng, nếu khoản nợ có ít nhất 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản, thì đó đã được liệt vào “nợ tốt”, không phải “nợ xấu” để cần đến VAMC giải quyết. “Mục tiêu của dự thảo thông tư về hoạt động của VAMC là giảm nợ xấu, mà muốn giảm cần phải phối hợp đồng bộ các hướng dẫn, quy định của luật. Tôi cho rằng, nhìn vào dự thảo văn bản nói trên, có thể thấy rằng quy định phần đầu thì lỏng, sau lại thắt chặt, nên rất khó thực hiện”, ông này nêu ý kiến.

Mặt khác, theo ông, với các khoản vay trong ngân hàng, đã là nợ thì không cần thiết phải gọi cụ thể ra đó là tài sản gì, vì không dễ để phân biệt bất động sản được ưu tiên, còn động sản (máy móc, thiết bị…) không được ưu tiên. Từ trước tới nay, các ngân hàng vẫn cho vay có tài sản bảo đảm là động sản, bất động sản, nên việc quy định khoản nợ đủ điều kiện được “giải cứu” có tài sản thế chấp ít nhất 65% tổng giá trị là bất động sản, theo quan điểm của đại diện MaritimeBank, là đi trái với quy định cho vay của ngân hàng, nên chăng xem xét bỏ.

Đại diện ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) - bà Nguyễn Kim Oanh - Phó phòng công nợ cũng cho biết, tỷ lệ 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản trong quy định về điều kiện khoản nợ được mua như dự thảo hoạt động của VAMC là không khả thi. Theo bà Oanh, tỷ lệ này nên được hạ xuống thấp hơn, khoảng 40%, để tạo cơ hội cho các khoản nợ xấu có tài sản thế chấp là những nhân tố khác.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức - thành viên BASICO - hãng luật chuyên về lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, đầu tư nêu ý kiến, những khoản vay có tài sản bảo đảm là bất động sản chiếm 65% tổng giá trị được xếp hạng tương đối tốt. Còn VAMC, khi thành lập và đi vào hoạt động, thì nghiệp vụ chính là xử lý, mua bán những khoản nợ xấu thực sự, do đó, nếu vì quy định nói trên mà ngân hàng có nhiều khoản nợ không đủ điều kiện để mua bán, thì vô hình trung, sự ra đời của tổ chức mua nợ này cũng như các hoạt động của nó vẫn “đặc sệt” tính cơ chế, chưa đúng tính chất “thị trường” như tôn chỉ, mục đích hoạt động.

Ông Đức cũng cho rằng, các quy định trên sẽ tạo ra 2 nguy cơ, hoặc bên có nợ từ chối không bán, hoặc bên mua nợ từ chối không mua, và vin vào đó, 2 bên có thể bị bắt buộc mua bán mà không nhất thiết phải thỏa thuận, “thông đồng” với nhau thì cũng đồng nghĩa khoản nợ xấu không bao giờ giải quyết được.

Với tỷ lệ nợ xấu mới nhất Ngân hàng Nhà nước công bố là 4,65%, chỉ cần giải quyết 1,65% còn lại là nợ đã đủ chuẩn (3% tổng dư nợ). Song theo ý kiến của luật sư Trương Minh Đức, với nhiều quy định của dự thảo thông tư hoạt động VAMC, chưa chắc số 1,65% này có thể giải quyết được, vì việc mua bán là tự nguyện. “Có sự mâu thuẫn giữa 2 yếu tố tự nguyện và bắt buộc, cần phải giải quyết triệt để mâu thuẫn này. Phần tự nguyện không dành cho thị trường vì nếu làm được, các đơn vị liên quan đã làm từ khi có công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính, không cần đến lúc hình thành VAMC. Theo quan sát của tôi, hình như chưa có khoản nào được bán thật, mà chủ yếu vẫn che giấu để nhìn nó như là tốt. Còn yếu tố bắt buộc có thể khiến cho thỏa thuận giữa bên mua, bên bán được hình thành, nên cũng không dễ dàng”, ông Đức đưa phân tích.

Các chuyên gia và đại diện ngân hàng đều cho rằng, cần thiết quy định rõ tỷ lệ tài sản bảo đảm là bất động sản với khoản nợ đủ điều kiện được mua bán, để tạo thuận lợi cho cả bên bán lẫn bên mua. Thậm chí, ông Nguyễn Tấn Tài - Phó phòng quản lý tín dụng ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) còn đề xuất, phải bỏ quy định tỷ lệ tài sản bảo đảm vì không có lý do gì để VAMC xử lý nợ xấu mà chỉ nhận khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet