Bảng giá đất nhiều năm nay không đổi nên quá lạc hậu so với giá đất thị trường.
Trong bảng giá đất năm 2012 của TP.HCM có hiệu lực từ ngày 1-1, mức cao nhất là 81 triệu đồng/m2. Đây là mức giá không thay đổi trong suốt bốn năm trở lại đây, từ năm 2009. Tương tự, giá đất ở TP Hà Nội cũng chỉ ở ngưỡng này từ năm 2010.
Mức giá tối đa trong bảng giá đất của TP.HCM và Hà Nội không thể nhúc nhích trong vài năm gần đây là do bị “trói” bởi quy định tại Nghị định 123/2007. Theo nghị định này, khung giá đất ở đô thị cao nhất là 67,5 triệu đồng/m2. Khi giá đất trên thị trường tăng, các địa phương được tăng không quá 20% của mức giá tối đa, bằng 81 triệu đồng/m2. Trước đó, Nghị định 188/2004 cũng quy định mức trần như trên.
Như vậy, khung giá đất ở tại đô thị nhiều năm qua vẫn đứng im tại chỗ, không hề được được điều chỉnh. Trong khi đó, giá đất trên thị trường liên tục tăng, nhiều nơi đã tăng lên hàng chục lần. Hậu quả của việc đóng khung giá đất trong nhiều năm là giá đất của Nhà nước quá lạc hậu so với giá thị trường. Chẳng hạn, giá đất thực tế trên đường Đồng Khởi, TP.HCM hiện gần 400 triệu đồng/m2; giá đất thực tế trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào ở Hà Nội gần 1 tỉ đồng/m2, trong khi giá trần quy định chỉ 81 triệu đồng/m2.
Trước những bât cập như trên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Văn Hồng cho biết TP đã kiến nghị bỏ khung giá đất của Chính phủ, vì không cần thiết mà lại làm khó cho địa phương. Đồng tình, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, cũng nêu quan điểm: “Khung giá đất của Chính phủ chỉ cần thiết khi các địa phương mới lập bảng giá đất cho mình, từ nhiều năm trước. Còn bây giờ, khi các địa phương đã quen với việc này rồi thì khung giá của Chính phủ là không cần thiết nữa. Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy nên bỏ khung giá đất này”.
Theo ông Hồng, nếu khung giá đất của Chính phủ không còn nữa, giá đất của TP.HCM ban hành hằng năm hiển nhiên sẽ tăng, mức giá tối đa không còn ở mức 81 triệu đồng/m2 như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Hồng, nếu điều chỉnh giá đất theo hướng tăng lên thì thuế người sử dụng đất phải đóng, lệ phí trước bạ khi chuyển quyền sử dụng đất cũng tăng theo. Khi đó cần xem lại tỉ lệ thu, mức thu đối với các khoản thuế và lệ phí này.
DiaOcOnline.vn - Theo PLTP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: