Top

NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Cấp thiết phải hình thành chính quyền đô thị

Cập nhật 26/12/2011 16:15

Thiết kế bộ máy chính quyền đô thị như hiện nay chẳng khác nào lấy bộ máy chính quyền nông thôn úp lên đô thị.

Tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 để phục vụ cho việc sửa hiến pháp lần này, cả Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đều có chung một kiến nghị: Cần hình thành mô hình chính quyền phù hợp với đặc trưng của đô thị (chính quyền đô thị) để khắc phục tình trạng “cào bằng” gây nhiều hệ lụy của việc áp dụng mô hình chính quyền ba cấp chung cho tất cả tỉnh, thành hiện nay.

Thực ra, đây không phải là vấn đề mới. Trên tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, TP.HCM từng đầu tư không ít công sức để nghiên cứu Đề án chính quyền đô thị từ năm 2006 đến năm 2007 và đã xin ý kiến trung ương cho thí điểm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đề án ấy tạm thời lắng xuống. Lần này, sự “đồng thanh” của ba đô thị lớn trực thuộc trung ương đã cho thấy tính cấp thiết của đòi hỏi này.

“Cả làng trùm chung chiếc mũ”

Vướng mắc khi đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị chính là Điều 118 của Hiến pháp 1992, quy định tổ chức HĐND và UBND ở tất cả các cấp đơn vị hành chính của địa phương (không phân biệt đô thị hay nông thôn). Cho nên thời điểm tổng kết để sửa Hiến pháp 1992, nói như một số chuyên gia pháp lý và đô thị là “cơ hội vàng” để đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, xây dựng mô hình chính quyền phù hợp với đặc trưng của nông thôn và đô thị.

Việc quy hoạch đất đai sẽ tốt hơn nếu hình thành được chính quyền đô thị. Ảnh: HTD

Theo một chuyên gia pháp lý về tổ chức chính quyền địa phương ở TP.HCM, những lần sửa hiến pháp trước chỉ mới đi sâu vào những thay đổi về chế độ kinh tế để chuyển nền kinh tế nước ta từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. “Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để sửa đổi các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước để mang lại hiệu lực và hiệu quả quản lý cao hơn. Nhất là vấn đề chính quyền địa phương, chúng ta đã duy trì quá lâu tình trạng “cả làng trùm chung chiếc mũ”. Điều này đã gây ra nhiều trở ngại trong quản lý và phát triển” - vị này nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, mô hình chính quyền ba cấp hiện đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” cần có của nó ở các đô thị. Đến thời điểm này, đặc trưng của đô thị và yêu cầu của sự phát triển ở các TP lớn đòi hỏi phải hình thành một mô hình chính quyền đặc trưng cho nó. Nói như chuyên gia hành chính Lê Văn In: “Thiết kế bộ máy chính quyền đô thị như hiện nay chẳng khác nào lấy thiết kế bộ máy chính quyền nông thôn úp lên đô thị, lấy bộ bà ba khăn rằn trùm lên bộ áo vét và chiếc cà vạt. Điều này trái với nguyên tắc bộ máy chính quyền cho mỗi cộng đồng phải là bộ máy phù hợp với những đặc điểm của cộng đồng dân cư đó. Vì vậy, cấp thiết phải hình thành một mô hình chính quyền phù hợp với các đặc trưng của hạ tầng và đời sống dân cư của đô thị”.

Thực tiễn lên tiếng

Theo các chuyên gia, nguyên lý cơ bản nhất của việc đòi hỏi phải hình thành chính quyền đô thị là tính thống nhất không chia cắt của hạ tầng và đặc trưng của đời sống cư dân đô thị. Nó đòi hỏi phải có một chính quyền quản lý mang tính thống nhất, xuyên suốt và linh hoạt hơn. Sự phân tách của tổ chức chính quyền ba cấp hiện nay ở đô thị đang trở nên lạc hậu và gây nhiều cản trở cho công tác quản lý điều hành cần thiết phải có ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Lấy ví dụ từ công tác quy hoạch, TS Nguyễn Đăng Sơn, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, nói: Việc quy hoạch hiện nay được thực hiện ở nhiều cấp khác nhau: TP có quy hoạch TP, quận có quy hoạch của quận, … gây ra sự bất hợp lý và cản trở cho công tác quy hoạch. “Công tác quy hoạch rất tốn kém, mất thời gian nhưng tình trạng cấp nào cũng có quy hoạch như thế đã gây nên những chồng lấn, không thống nhất. Các quy hoạch phải đợi nhau gây ra nhiều phí tổn không cần thiết. Thậm chí có nơi quy hoạch của TP lại chồng lên quy hoạch của quận, gây lãng phí, phiền hà tổn thất cho người dân” - ông Sơn phân tích và cho rằng tình trạng này sẽ được giải quyết tốt hơn nếu chính quyền TP có một quy hoạch chung thống nhất. Sau đó tập trung kỹ vào quy hoạch chi tiết, vì quy hoạch này tác động trực tiếp cụ thể nhất đến người dân.

Phân tích ở góc độ cung ứng dịch vụ công, TS Lê Văn In chỉ rõ chính sự phân tách trong quản lý của ba cấp chính quyền hiện nay làm ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng dịch vụ công ở đô thị. TS In phân tích: Thống nhất, xuyên suốt, kịp thời là ba yêu cầu cần có của việc cung ứng dịch vụ công ở các đô thị lớn. Thế nhưng hiện nay, một mảng được giao ở cấp TP, một mảng ở cấp quận, mảng nữa giao cho phường. Điều này tạo nên tình trạng mỗi nơi một kiểu dịch vụ với các loại giấy tờ, thái độ phục vụ, tốc độ giải quyết cho người dân rất khác nhau, từ đó nảy sinh bao chuyện phiền hà. “Cần phải hình thành chính quyền đô thị để quản lý thống nhất, xuyên suốt đảm bảo được yêu cầu cung ứng dịch vụ công cho người dân ở đô thị. Kéo dài tình trạng người dân sống trên một địa bàn mà chịu tới ba kiểu quản lý khác nhau là không ổn” - TS In kết luận.

Hội họp nhiều, xử lý chậm

Tổ chức và bộ máy hoạt động của bộ máy hành chính ở thành phố đang tồn đọng vấn đề rất quan trọng là cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh, vừa trùng lắp về chức năng lẫn quan hệ dọc, vừa phân tán cục bộ, thiếu chế độ trách nhiệm cụ thể. Từ đó dẫn đến việc thường xảy ra trục trặc trong vận hành, đùn đẩy trong vận hành, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, các ngành mà hệ quả cụ thể là tốn nhiều thời gian hội họp, xử lý công việc chậm chạp, hiệu suất làm việc thấp, chất lượng công vụ kém.

Từ đây có thể thấy nhu cầu cấp thiết phải đề xuất giải pháp về tổ chức chính quyền phù hợp hơn với các yêu cầu của cư dân thành thị, mà điểm cốt lõi là tổ chức bộ máy chính quyền ba cấp ở thành phố giống như ba cấp chính quyền ở nông thôn như hiện nay là không phù hợp.

TS NGUYỄN ĐĂNG SƠN, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP