Top

Đất nông nghiệp: Gia hạn thêm 20 năm

Cập nhật 08/03/2012 08:10

Để được tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp, trước thời điểm kết thúc thời hạn sáu tháng, người dân cần làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền.

“Hiện có trường hợp người dân thế chấp đất nông nghiệp để vay vốn ở các tổ chức tín dụng nhưng không được. Một số trường hợp người dân bị thu hồi đất nhưng lại bị hạ giá bồi thường. Một số nơi người dân dồn điền đổi thửa nhưng chính quyền cũng không biết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế nào… Quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng như vậy đều với lý do được đưa ra: Đất sắp hết thời hạn sử dụng” - ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, nêu một thực tế tại buổi họp báo về chính sách quản lý đất đai do Bộ TN&MT tổ chức chiều 7-3.

Người dân có thể an tâm

Năm 2013, có chia lại ruộng đất hay không? Đây là vấn đề nhiều người dân quan tâm trong thời điểm này, khi thời hạn sử dụng đất nông nghiệp 20 năm đã cận kề. Theo ông Chính, năm 2013 sẽ không chia lại ruộng đất bởi Luật Đất đai 2003 quy định nếu hết thời hạn giao đất 20 năm, người dân vẫn có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất, chấp hành pháp luật về đất đai và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch thì hộ gia đình, cá nhân vẫn tiếp tục được sử dụng đất nông nghiệp như hiện nay với thời hạn tiếp theo là 20 năm. Tuy nhiên, để được tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp, trước thời điểm kết thúc thời hạn sáu tháng, người dân cần làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất.

Để hướng dẫn việc trên, sắp tới Bộ TN&MT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn. Cùng với đó, Bộ cũng kiến nghị với Chính phủ yêu cầu các tổ chức công chứng, ngân hàng… thực hiện các thủ tục để người dân vẫn được thực hiện các quyền mua bán, thế chấp, tặng cho… như lâu nay. “Tuy nhiên, khi sắp hết thời hạn giao đất, trước khi thực hiện các quyền này, người dân phải đi làm các thủ tục để được tiếp tục giao đất với thời hạn tiếp theo là 20 năm, tức là thời hạn giao đất tới năm 2033” - ông Chính nhấn mạnh.

Để được tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp, người dân cần làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền trước thời điểm kết thúc thời hạn sáu tháng. Ảnh: HTD

Nếu không chia lại đất, một vấn đề đặt ra là những người sinh sau đẻ muộn, những hộ gia đình đã bị thu hồi đất không có đất để sản xuất, trong khi đó nhiều người có đất nhưng lại bỏ hoang. “Hiện nước ta có khoảng 70% dân số làm nông nghiệp. Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, con số này chỉ còn trên 30%. Một lượng lớn người dân làm nghề nông sẽ rút ra làm ở khu công nghiệp, dịch vụ. Người có nhu cầu sử dụng đất có thể mua đất của những hộ này. Không thể cứ là nông dân thì phải có đất sản xuất” - ông Chính lý giải.

Được mua nhiều đất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp của ta đang bị “trói” bởi thời hạn sử dụng đất ngắn và hạn mức giao đất nông nghiệp thấp. Điều này làm người dân không an tâm sản xuất, không dám đầu tư nhiều, khó làm ăn lớn. Mặt khác, việc Nhà nước chưa công nhận sở hữu tư nhân về đất đai đã gây nên những “nhập nhằng” làm khó cho người dân. Vậy sửa đổi Luật Đất đai lần này có cởi những nút thắt này không - đó là câu hỏi lớn đang được đặt ra.

Về các vấn đề trên, theo Bộ TN&MT, việc có sửa hay không, sửa theo hướng nào thì hiện vẫn chưa ngã ngũ. Theo bộ này, về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, hiện có hai luồng quan điểm, giao cho người dân sử dụng lâu dài hoặc giao có thời hạn dài hơn hiện nay. Về hạn mức sử dụng đất, có ý kiến cho rằng nên tăng thêm, cũng có ý kiến cho rằng nên để như hiện nay. Việc có cho sở hữu tư nhân về đất đai hay không cũng có nhiều quan điểm: Cho sở hữu tư nhân về đất đai - đa sở hữu hoặc quy định rõ sở hữu nhà nước về đất đai hoặc giữ nguyên chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai như hiện nay. Bộ TN&MT cho biết những vấn đề lớn trên, Bộ phải chờ ý kiến của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Khi có ý kiến của những cơ quan cấp cao này, Bộ sẽ làm dự thảo Luật Đất đai sửa đổi theo hướng đó.

Tuy nhiên, riêng về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, quan điểm cá nhân của ông Chính cho rằng với đất nông nghiệp thì đã giao hết cho người dân. Vì vậy, nếu có quy định hạn mức giao đất như hiện nay cũng không có gì vướng mắc. Vấn đề nên sửa là tăng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp (đối với đất trồng cây hằng năm, theo quy định mỗi hộ gia đình, cá nhân được mua thêm không quá 6 ha - PV). Như vậy những người có khả năng, mạnh về vốn có thể mở rộng sản xuất. Việc đánh thuế đất nông nghiệp sẽ theo lũy tiến, ai có nhiều đất thì phải đóng nhiều thuế. “Quy định như vậy tránh được một thực tế hiện nay là nhiều người dân phải lách luật, họ mua nhiều đất nhưng phải nhờ người thân đứng tên. Điều này có thể xảy ra tranh chấp” - ông Chính nói.

Vụ Tiên Lãng: Người dân được tiếp tục sử dụng đất

Hiện Bộ TN&MT đang soạn thảo công văn về việc tiếp tục giao đất cho ông Đoàn Văn Vươn và việc xử lý đối với đất đã giao cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Lãng. Về vụ ông Vươn, căn cứ vào từng quyết định giao đất của huyện trước đây, có quyết định giao đất sai hoàn toàn, có quyết định giao đất sai một phần để đưa ra hướng giải quyết. Với các hộ dân được giao đất nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Lãng cũng căn cứ vào các quyết định giao đất, thu hồi đất để giải quyết. Nếu huyện ra các quyết định trên sai thì người dân vẫn được tiếp tục sử dụng đất.

Ông BÙI SỸ DŨNG, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp chế (Tổng cục Quản lý Đất đai)



DiaOcOnline.vn - Theo PLXH