Top

Chuyển mục đích đất vườn, ao liền kề, đất nông nghiệp xen kẹt sang đất ở:

Vẫn còn “nút thắt”

Cập nhật 05/03/2012 08:15

Quyết định 40/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012, đã tháo gỡ nhiều vướng mắc của hàng chục nghìn hộ, cá nhân về chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư (không thuộc đất công) sang đất ở.

Tuy nhiên, Quyết định 40 vẫn chưa có hướng dẫn về cách tính tiền như thế nào, việc thành lập hội đồng định giá ra sao... khiến nhiều địa phương lúng túng, khó thực hiện.


Đất nông nghiệp xen kẹt vẫn khó chuyển thành đất ở. Ảnh: Phương Thảo

Trước đây, khi TP chưa ban hành Quyết định 40, việc chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư của huyện Thanh Oai và nhiều địa phương khác thực sự gặp khó khăn. Nhiều hộ dân đến đề nghị chính quyền cấp xã xác nhận làm thủ tục chuyển đổi xây dựng nhà ở nhưng chính quyền lúng túng, chưa thể giải quyết. Bởi, bản chất đất vườn, ao liền kề chỉ là đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng 20 năm hoặc 50 năm và không được phép xây nhà. Có nơi, diện tích đất nông nghiệp xen kẹt nằm trong khu dân cư không sử dụng đến do thiếu hệ thống tưới tiêu. Nếu bị thu hồi thì chỉ được bồi thường hơn loại đất nông nghiệp và không được bố trí tái định cư. Khi chuyển nhượng cũng khó và giá thấp so với loại đất ở. Quyết định 40 có hiệu lực đã giải tỏa bức xúc của người dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở. Ông Bùi Văn Sáng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai cho rằng, những nội dung trong Quyết định 40 của TP Hà Nội thể hiện rõ đối tượng điều chỉnh, cách xác định phạm vi khu dân cư cũng mở hơn, giúp cán bộ dễ áp dụng. Bên cạnh đó, những quy định của Quyết định 40 đã bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Về quy trình, thời gian, nghĩa vụ tài chính, thủ tục thực hiện, nhiệm vụ của huyện, xã cũng khá rõ ràng.

Sau khi Quyết định 40 cho phép hộ, cá nhân chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt khu dân cư sang đất ở, các quận, huyện, thị xã đều triển khai khá tích cực để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Song, quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều vướng mắc. Ông Sáng dẫn chứng, theo Nghị định 120/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 93/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính thì cách tính tiền sử dụng đất thế nào là sát giá thị trường? Việc thành lập hội đồng định giá ra sao?... Những vấn đề này đều giao cho UBND tỉnh, TP xem xét, quyết định và hướng dẫn thực hiện. Nhưng đến thời điểm này, Quyết định 40 có hiệu lực được hai tháng, nhưng vẫn phải chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Không chỉ có vậy, việc chứng minh thời điểm sử dụng đất vườn, ao liền kề để xin phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở cũng khó khăn. Thực tế tại huyện Thanh Oai cho thấy, những năm trước đây, do năng lực quản lý đất đai của một số cán bộ xã, thị trấn qua các thời kỳ yếu kém, phần lớn hồ sơ địa chính liên quan đến thửa đất ao, vườn liền kề bị thất lạc, cũ nát, nhiều thửa không còn giấy tờ, nên căn cứ xác định ngày hình thành thửa đất không dễ. Trong khi đó, một bộ phận người dân cho rằng, đất vườn, ao liền kề do cha ông họ để lại, nay làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải nộp số tiền lớn (nộp 50% chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất theo giá đất ở với đất nông nghiệp), nên phần lớn người dân không mặn mà với việc làm sổ đỏ. Vì vậy, tuy Quyết định 40 đã gỡ nhiều vướng mắc nhưng thực tế vẫn không hết khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.

Cơ quan chức năng ở nhiều quận, huyện cho rằng, Quyết định 40 chỉ gỡ nút thắt đối với đất vườn, ao liền kề, còn đất nông nghiệp xen kẹt vẫn khó chuyển thành đất ở. Bởi, nếu theo Quyết định 40, tất cả trường hợp đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 trước đây, kể cả đất 5% cũng không được chuyển đổi thành đất ở. Đây là điều thiếu thực tế ở Hà Nội vì số thửa đất nằm xen kẽ trong dân cư khá lớn. Tại khu vực ngoại thành, số gia đình, cá nhân đã làm nhà ở trên đất xen kẹt không phải là nhỏ.

Những băn khoăn của chính quyền địa phương là hoàn toàn có cơ sở. Nếu những nút thắt này chưa được tháo gỡ và quan trọng hơn, cơ quan chức năng của TP thiếu văn bản hướng dẫn, các địa phương còn lúng túng khi thực hiện Quyết định 40 của UBND TP.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới