Top

Đảo ngọc Phú Quốc bị 'băm nát': Yêu cầu thu hồi nộp ngân sách hơn 2.300 tỉ đồng

Cập nhật 22/05/2020 09:00

Liên quan các sai phạm, thiếu sót liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, số tiền bước đầu UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu phải thu hồi nộp ngân sách lên đến hơn 2.300 tỉ đồng.

Công trình khách sạn Mường Thanh Phú Quốc xây dựng hoàn thành, đã đưa vào sử dụng, nhưng theo Thanh tra Chính phủ là chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng ẢNH: HOÀNG TRUNG

Từ các sai phạm, thiếu sót liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên địa bàn mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận, số tiền bước đầu UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu phải thu hồi nộp ngân sách lên đến hơn 2.300 tỉ đồng.

Như Thanh Niên số ra các ngày 18 - 19.5 đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận thanh tra (số 602 năm 2020) về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (thời kỳ 2011 - 2017).

Trong rất nhiều vấn đề sai phạm, thiếu sót TTCP chỉ ra , thì sai phạm xảy ra ở địa bàn huyện đảo Phú Quốc là nghiêm trọng nhất. Mặc dù Phú Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với định hướng phát triển bền vững đảo ngọc thành thủ phủ du lịch, nhưng tại đây trong một thời gian dài để xảy ra hàng loạt sai phạm, từ tài chính đất đai đến quản lý quy hoạch, “thả nổi” quản lý rừng, “loạn” phân lô, bán nền đất nông nghiệp…, nhưng vẫn chưa có ai bị truy cứu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật.

Thu hồi hơn 2.300 tỉ đồng trong tháng 6 - 7.2020

Theo chỉ đạo khẩn về thực hiện kết luận thanh tra của TTCP, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh… trong tháng 6 - 7.2020 phải thu hồi nộp ngân sách số tiền hơn 2.300 tỉ đồng; trong đó có hơn 741 tỉ đồng của 26 dự án sai phạm về tài chính đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường; hơn 1.570 tỉ đồng nợ đọng tiền sử dụng đất (SDĐ), tiền thuê đất…

Theo kết luận của TTCP, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã tùy tiện trong việc quản lý tài chính đất đai, gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là đối với hàng loạt chủ đầu tư (CĐT) ở Phú Quốc. Điển hình nhất là việc giảm 50% tiền SDĐ khu du lịch sinh thái Vũng Bầu tại xã Cửa Cạn do Công ty CP Lan Anh Phú Quốc làm CĐT (hơn 91 tỉ đồng); dự án trung tâm du lịch tài chính, tập huấn và nghỉ dưỡng BIDV do Ngân hàng BIDV làm CĐT (hơn 163 tỉ đồng); miễn tiền SDĐ (gần 40 ha, trong thời hạn 50 năm) trái luật hơn 419 tỉ đồng tại dự án khu du lịch sinh thái Ngôi sao - Lucky Star Resort ở khu Cửa Cạn, Phú Quốc (do Công ty TNHH Ngôi Sao làm CĐT)…

Phải chấm dứt hành vi phạm pháp

Cũng liên quan đến các sai phạm đất đai, “thả nổi” quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng… mà TTCP nêu, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh chấm dứt và không để tình trạng sai phạm tái diễn như việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ trái với quy hoạch SDĐ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao đất, cho thuê đất sạch (đất công nhà nước trực tiếp quản lý) không thông qua đấu giá quyền SDĐ. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là đối với rừng phòng hộ và Vườn quốc gia Phú Quốc; đôn đốc và có biện pháp cần thiết yêu cầu CĐT đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất rừng lập phương án trồng rừng thay thế; tiến hành thẩm định và phê duyệt phương án trồng rừng thay thế để làm cơ sở cho các CĐT tổ chức trồng hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định. Liên quan đến những yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng dẫn đến “bùng nổ” nạn phân lô, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở trên đất nông nghiệp... mà TTCP cũng nêu ra, UBND tỉnh Kiên Giang giao Chủ tịch UBND H.Phú Quốc có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, xử lý nghiêm hành vi SDĐ trái mục đích đối với đất nông nghiệp trên địa bàn huyện; thời gian hoàn thành báo cáo kết quả cho UBND tỉnh chậm nhất là ngày 26.6.2020.

Trước đó, như Thanh Niên phản ánh, trên địa bàn Phú Quốc có tổng số 577 khu đất sử dụng là đất nông nghiệp đã bị san lấp, phân lô với tổng diện tích hơn 496 ha. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2018, Đội trật tự quản lý đô thị (UBND H.Phú Quốc) và 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện này lập hơn 1.200 biên bản vi phạm hành chính về xây dựng trên đất nông nghiệp, nhưng đáng nói là chỉ ra quyết định xử lý 586 trường hợp (chiếm khoảng 46%).

Xử lý nghiêm minh trách nhiệm để xảy ra sai phạm

Những sai phạm xảy ra tại Phú Quốc khiến dư luận đặc biệt bức xúc, bởi lẽ hàng loạt dự án quy mô về bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ... ở các vị trí đắc địa không chỉ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước, quy định pháp luật về môi trường, xây dựng, thuế…, mà thậm chí cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang còn tùy tiện giao đất, miễn giảm tiền SDĐ trái quy định. Trong khi đó, đối với quyền lợi chính đáng của người dân về quyền tiếp cận biển mà luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định rõ (dành hành lang biển tối thiểu 100 m) lại bị UBND tỉnh Kiên Giang “phủ quyết” khi từ năm 2016 đã ban hành văn bản không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại 20 bãi biển (toàn bộ các bãi tắm biển) trên đảo Phú Quốc.

Chấn chỉnh các sai phạm này, UBND tỉnh Kiên Giang trong văn bản báo cáo vừa gửi TTCP, Văn phòng Chính phủ... đã cam kết khẩn trương báo cáo Bộ Xây dựng, Thủ tướng phương án điều chỉnh quy hoạch chung của huyện đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt theo chủ trương đã được Thủ tướng chấp thuận tại Công văn số 739 ngày 8.6.2018, để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nhất tài nguyên đất; đối chiếu, rà soát lại các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ, kiên quyết thu hồi đối với các trường hợp không phù hợp với định hướng phương án điều chỉnh đã được Thủ tướng đồng ý.

Đồng thời, trên cơ sở quy định của luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, cùng tình hình thực tế tại địa phương tỉnh sẽ kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng chi tiết, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan, và bảo đảm quyền tiếp cận biển của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Về xử lý trách nhiệm, theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, trong tháng 6 - 7.2020 sẽ kiểm điểm trách nhiệm của chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh (thời kỳ 2011 - 2017). Tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm. Trong đó, liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất đai, kiểm điểm giám đốc các sở: TN-MT, NN-PTNT, KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng; Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND H.Phú Quốc và các chủ tịch UBND cấp xã trực thuộc H.Phú Quốc; Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc và Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Quốc và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phú Quốc…

UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu việc tổ chức kiểm điểm phải làm rõ trách nhiệm, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục thanh tra liên quan đất đai làm dự án

UBND tỉnh Kiên Giang giao Chánh thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn H.Phú Quốc; thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đối với các hộ gia đình, cá nhân liên quan đến đất rừng thuộc Vườn quốc gia và Rừng phòng hộ Phú Quốc; trong quý 3/2020 phải hoàn thành báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án đầu tư chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai; thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư hoặc thu hồi dự án gắn với thu hồi quyền SDĐ đối với 43 dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư và đất đai do lỗi chủ quan của CĐT; xác định lại giá đất cụ thể của 16 trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giá đất cụ thể không đúng thẩm quyền, để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên