Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu đất tại những khu vực “nhạy cảm” ở Việt Nam đang làm dấy lên những lo ngại về an ninh, quốc phòng.
Khu đô thị Our City Hải Phòng do người Trung Quốc làm chủ đầu tư, cư dân sinh sống tại đây chủ yếu là người Trung Quốc
Mới đây, gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, nhiều cử tri bày tỏ quan ngại về tình trạng người nước ngoài nhập cảnh đầu tư, kinh doanh và bằng nhiều cách để sở hữu đất đai các khu vực trọng yếu quốc phòng, an ninh.
Nhiều kẽ hở trong Luật
Bộ Quốc phòng cho biết, hiện tượng đầu tư núp bóng danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, nuôi trồng, chế biến, thu mua hải sản nhưng lại được điều hành, quản lý do người Trung Quốc đảm nhiệm. Bộ Quốc phòng khẳng định việc quan ngại của các cử tri về vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở, các sai phạm trên xuất phát từ lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 về “việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp” và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai.
Trên thực tế tình trạng người nước ngoài lách luật, sở hữu những lô đất trọng yếu đã tồn tại nhiều năm qua và không ít lần được đưa ra xem xét, tuy nhiên đến nay các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” vì luật cho phép. Các tỉnh, thành có người nước ngoài tập trung "sở hữu" đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17, Hải Phòng 16, Bình Định 9, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một luật sư cho biết, theo quy định tại Điều 46, Nghị định 118/CP và Điều 26 Luật Đầu tư 2014 thì nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua CP, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế trong nước không phải thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cùng với đó, Nghị định 139/2007/NĐ-CP cũng quy định là trường hợp DN dự định thành lập có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ thì việc thành lập DN thực hiện theo quy định của Luật DN và Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ – tức giống như đối với dự án đầu tư trong nước.
“Người nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải có dự án được duyệt và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới được phép hoạt động. Nhưng công ty nước ngoài được hình thành bằng cách góp vốn, mua CP, phần vốn góp của các công ty trong nước nên họ cũng giống như các công ty trong nước và trở thành chủ sở hữu các dự án sử dụng đất mà không phải qua thẩm định của các cơ quan hữu quan và không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”- vị luật sư này nhấn mạnh.
Bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn
Theo các chuyên gia, bản chất của vấn đề là pháp lý của Việt Nam chưa lường hết được những phát sinh trong thực tế, hay nói cách khác là chính sách đi sau thực tiễn trong lĩnh vực đầu tư và sở hữu đất đai, tạo kẽ hở cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách lách luật, sở hữu đất trái phép.
Trước thực trạng này, năm 2016 Sở Kế hoạch & Đầu tư Đà Nẵng đề nghị Chính phủ xem xét và đề nghị Quốc hội bổ sung vào Luật Đầu tư: bổ sung quy định thời hạn hoạt động tối đa cho các dự án nhỏ, để cơ quan cấp chứng nhận đầu tư có cơ sở xử lý. Thêm vào đó, cần bổ sung quyền cho cơ quan đăng ký đầu tư xem xét về tính khả thi, khả năng đáp ứng tài chính... để xem xét và quyết định đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với việc mua cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, kiến nghị trong trường hợp dự án có sử dụng đất, cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT nhấn mạnh theo luật thì người nước ngoài không được quyền mua đất tại Việt Nam, họ chỉ được mua nhà ở. Nhưng hiện chưa có quy định quản lý việc nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, tăng vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước để sở hữu đất đai các dự án.
Đại diện này cho rằng thời gian tới cần phân định rõ nhà đầu tư sở hữu đa số cổ phần doanh nghiệp có được mở rộng hay thu hẹp mô hình doanh nghiệp không, nếu họ được quyền này đương nhiên liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Để khắc phục tình trạng người Trung Quốc lách luật mua đất, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang dự thảo Luật đầu tư sửa đổi theo hướng bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp có quyền sử dụng đất ở khu vực biên giới, hải đảo và các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia thì phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký việc thực hiện góp vốn để cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện, thủ tục góp vốn có đáp ứng yêu cầu hay không. Kể cả trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các khu vực này thời gian tới đều phải lấy ý kiến và được sự đồng ý của các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao.
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: