Top

"Cởi trói" cho nhà ở xã hội

Cập nhật 09/08/2010 14:50

Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Nhà ở có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho nhà ở xã hội, kích thích doanh nghiệp (DN) bất động sản mạnh tay bỏ vốn vào phân khúc bị bỏ quên này.

Tại TP HCM, theo Sở Xây dựng, hiện khó khăn lớn đối với chương trình phát triển quỹ nhà ở xã hội là quỹ đất và nguồn vốn đầu tư

Mở... hé cho doanh nghiệp!

Chủ trương chung của Chính phủ và UBND TP HCM là đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở xã hội, thông qua phương thức xã hội hóa nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, do chính sách chưa thật hấp dẫn, cũng như còn nhiều rào cản về thủ tục, nên vẫn chưa “hút” được DN. Mặc dù được triển khai cả chục năm nay, nhưng đến nay, Hội đồng xét duyệt cho thuê, mua nhà ở xã hội thành phố mới xét duyệt được 75 trường hợp được bố trí sử dụng nhà xã hội (chưa được vào ở).


DN cần nhất là cơ chế về thuế đất. Đã đưa ra ưu đãi để “cởi trói” cho nhà ở xã hội, nhưng ưu đãi chưa rõ ràng thì chỉ mới mở… hé. Ảnh: Đình Sơn.

Nghị định 71 có hiệu lực, lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố cho biết, chương trình nhà ở xã hội đang được khởi động trở lại. Với hàng loạt ưu đãi được đưa ra, sẽ là động lực “hút” DN, nhất là DN ngoài quốc doanh. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, ưu đãi mới đang thuộc về phía người dân. Người dân sẽ được tiếp cận nhà có giá rẻ hơn, chứ không phải DN “lấy” ưu đãi bỏ túi để thu về lợi nhuận hơn.

Ông Hiệp dẫn chứng, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn vốn không phải từ ngân sách Nhà nước được hưởng các ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội đã được phê duyệt; được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế; được hỗ trợ tín dụng đầu tư… Ngoài ra, hệ số sử dụng đất tăng hơn 1,5 lần so với dự án thương mại và không khống chế chiều cao là 6 tầng nữa.

Tuy nhiên, ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty phát triển nhà Thủ Đức cho rằng, DN làm nhà ở xã hội vẫn đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường (theo Nghị định 69). Khi giải phóng mặt bằng, DN đã phải thương lượng với dân theo giá thị trường, khi đóng thuế sử dụng đất còn phải đóng 100% theo giá thị trường. Không những thế, cách thức tính tiền thuế đất vẫn chưa rõ và mất nhiều thời gian. Những điều này lại chưa được tháo gỡ. DN cần nhất là cơ chế về thuế đất. Đã đưa ra ưu đãi để “cởi trói” cho nhà ở xã hội, nhưng ưu đãi chưa rõ ràng thì chỉ mới mở… hé.

Siết đối tượng thụ hưởng

Cũng theo quy định mới, nhà ở xã hội mở rộng đối tượng được giải quyết. Ngoài cán bộ, công chức... còn có các đối tượng khác là công nhân, người có thu nhập thấp, sinh viên, học sinh... cũng được ưu tiên. Với nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách chỉ giải quyết cho thuê, còn đầu tư bằng các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước mới được bán, cho thuê và thuê mua.

Tuy nhiên, đi kèm “nới” đối tượng thụ hưởng thì Nghị đinh 71 cũng “siết” với đối tượng này. Như nghiêm cấm chuyển nhượng nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Chỉ được bán, cho thuê khi đã trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp chứng nhận quyền sở hữu, nhưng đảm bảo thời gian tối thiểu là 10 năm, kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán, thuê mua với chủ đầu tư. Trường hợp chuyển nhượng mà chưa đủ thời gian 10 năm, kể từ thời điểm ký kết hợp đồng mua bán, thì chỉ được bán cho Nhà nước, hoặc cho đối tượng được mua nhà ở xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt