Top

Hà Nội rà soát các dự án sân gôn:

Chống biến tướng, tiết kiệm đất

Cập nhật 11/03/2010 10:10

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chính thức dừng, chuyển mục đích đầu tư 11 dự án sân gofl hoặc có hạng mục sân gofl để sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích. 8 dự án "đi tiếp" cũng được UBND TP yêu cầu lập báo cáo đề xuất biện pháp khắc phục tồn tại, bảo đảm kinh doanh đúng quy định.


Sân gôn Đồng Mô (Sơn Tây). Ảnh: Bá Hoạt

Vì sao phải chờ quy hoạch chung?

Sau khi có báo cáo đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản dừng, chuyển mục đích 11 dự án sân gofl (hoặc có hạng mục sân gofl), gồm sân gofl trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; khu sân golf - resort - vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ (huyện Ba Vì); khu đô thị du lịch sinh thái và sân gofl Long Biên; sân gôn 36 lỗ kết hợp công viên cây xanh và khu du lịch Thanh Trì; khu luyện tập thể thao và vui chơi giải trí Mễ Trì (huyện Từ Liêm); khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu (huyện Quốc Oai); khu đô thị gofl Mê Linh; sân gôn quốc tế Ba Vì; sân gofl Temple Lake Golf & Resort và các hạng mục phụ trợ (huyện Chương Mỹ); tổ hợp đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch và sân gofl Phú Mãn (huyện Quốc Oai); tổ hợp sân gofl khu phụ trợ và khu du lịch sinh thái hồ Đồng Sương (Chương Mỹ).

Cũng theo văn bản này, Hà Nội yêu cầu trong quý I-2010, nhà đầu tư các dự án trên chủ động liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội để điều chỉnh quy hoạch trước khi triển khai các thủ tục tiếp theo. Đặc biệt, TP Hà Nội nhấn mạnh, sau thời hạn này nếu nhà đầu tư không liên hệ với cơ quan chức năng coi như từ chối thực hiện dự án.

Tuy nhiên, hiện tại "tiêu chuẩn" để so là đồ án quy hoạch xây dựng chung Thủ đô Hà Nội vẫn trong giai đoạn nghiên cứu. Đồng thời, quá trình rà soát các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội sau khi hợp nhất địa giới hành chính cũng chưa hoàn tất.

Trong số hơn 700 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư mới có 240 đồ án, dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đợt 1, nhưng đa số cũng phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp định hướng chung. Vì vậy, với 11 dự án sân gôn, có lẽ trước mắt vẫn phải chờ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt mới có thể quyết chuyển mục đích đầu tư.

Với 8 dự án sân gofl còn lại được "đi tiếp" (các sân gofl : Vân Trì, Hà Nội, Đồng Mô, Sky Lake Resort and Golf Club (sân gofl hồ Văn Sơn), quốc tế Sóc Sơn, sân gofl và dịch vụ Long Biên, khu du lịch - đô thị sinh thái hồ Quan Sơn, Mỹ Đức), UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư trong quý I-2010 chủ động đề xuất giải pháp khắc phục để bảo đảm việc hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng quy định. Riêng dự án gây nhiều tranh luận là khu du lịch quốc tế Tản Viên (huyện Ba Vì), TP Hà Nội nêu rõ chỉ được phép đầu tư giai đoạn 1 (sân gofl 18 lỗ) và chuyển mục tiêu đầu tư giai đoạn 2; đồng thời đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty CP Dầu khí Tản Viên có văn bản báo cáo nêu rõ có tiếp tục triển khai dự án này hay không.

Điều chỉnh dự án sân gofl là vấn đề cấp thiết

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có tổng cộng 19 dự án sân gofl hoặc có hạng mục sân gofl , được đánh giá là địa phương có số dự án sân gofl lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 3 dự án trong số đó đã hoạt động. Còn lại đa số mới được chấp thuận nghiên cứu dự án hoặc lập, phê duyệt quy hoạch.

Theo báo cáo kết quả rà soát các dự án sân gofl trên địa bàn thành phố, có 8 dự án được các cơ quan trung ương cấp phép, 6 dự án do tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép, 4 dự án do Hà Nội (cũ) cấp và 1 dự án do tỉnh Vĩnh Phúc cấp. Đáng chú ý, không ít dự án, không đơn thuần chỉ là sân gofl mà được đầu tư kèm theo cả bất động sản như biệt thự, khách sạn, nhà vườn... Thậm chí, diện tích xây dựng biệt thự, nhà vườn "bán kèm" lớn hơn cả diện tích hạng mục chính sân gofl. Thêm vào đó, nhiều diện tích "bờ xôi, ruộng mật" được giao cho nhà đầu tư làm sân gofl, gây bức xúc dư luận nhân dân và khó khăn phức tạp trong giải phóng mặt bằng.

Chẳng hạn, dự án khu vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây, trong tổng diện tích chiếm đất 198ha, sân gôn có 93ha, còn lại là khu vui chơi giải trí, khách sạn, biệt thự. Thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai mất trắng toàn bộ đất canh tác cho dự án này. Tương tự, dự án sân gôn 36 lỗ kết hợp công viên cây xanh và khu du lịch Thanh Trì, nhà đầu tư đề xuất 449ha, trong đó sân gôn 150ha, khu thương mại, dịch vụ 31ha, khu biệt thự và thể thao 118ha...

Số liệu tổng hợp cho thấy, diện tích quy hoạch sân gôn của Hà Nội thực tế chỉ chiếm khoảng 35% tổng diện tích đất của các dự án có mục tiêu sân gôn (2.214ha/6.362ha), còn lại là khách sạn, biệt thự, trung tâm thương mại, dịch vụ đô thị, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí...

Vì thế, UBND Hà Nội đã phải rà soát nhằm điều chỉnh quy mô, mục tiêu dự án tổ hợp sân gôn hoặc tách riêng các dự án có chức năng kinh doanh bất động sản là chủ yếu để quản lý, tiết kiệm đất, tránh biến tướng dự án gây thất thu cho ngân sách. Những dự án lấy đất canh tác màu mỡ, ảnh hưởng đến di tích lịch sử - văn hóa, hành lang thoát lũ, không phù hợp quy hoạch... đều phải dừng, chuyển mục đích đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới