Top

Chất vấn sâu sắc, trả lời chưa thoả đáng

Cập nhật 13/07/2007 15:00

Chất vấn tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Hà Nội khoá XIII:

Ngày làm việc thứ ba (12.7) HĐND TP. Hà Nội đã dành toàn bộ thời gian để cho các đại biểu chất vấn và nghe trả lời chất vấn về các vấn đề: Quy hoạch, kiến trúc; kế hoạch đầu tư; tài nguyên môi trường và nhà đất; văn hoá thông tin...


Đã có rất nhiều ý kiến chất vấn khá sâu sắc nhưng việc trả lời chất vấn hầu như chưa thoả mãn được yêu cầu các đại biểu đặt ra.

Không chỉ là đổ lỗi cho dân

Mở đầu phiên chất vấn, ông Tô Anh Tuấn - GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc thừa uỷ quyền của UBNDTP đã trả lời các câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý và hướng xử lý đối với tình trạng vẫn tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo, kích thước không phù hợp theo quy định của TP trong xây dựng và kiến trúc nhà ở hai bên đường vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa.

Ông Tuấn cho rằng Hà Nội không có nhà siêu mỏng mà nếu có là do chính sách của Nhà nước chưa có quy định thu hồi đất không hợp thửa và do chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý và lỗi do người dân không chấp hành. ĐB Nguyễn Hoài Nam đã phát biểu phản ứng: Trả lời của ông Tuấn có mâu thuẫn vì Hà Nội đang tồn tại nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo mà ông Tuấn lại bảo không có.

ĐB Phạm Thị Lan tiếp thêm: “Hà Nội có bao nhiêu nhà siêu mỏng, siêu méo và việc để tồn tại như vậy thì ai là người phải chịu trách nhiệm, và giải quyết vấn đề này thế nào?”. Ông Tuấn đáp: “Nói thật là không thể trả lời các đại biểu câu hỏi là HN có bao nhiêu nhà siêu mỏng, siêu méo”. Ông Tuấn cho rằng để giải quyết nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” thì phương án “rắn” là thu hồi còn “mềm” là khuyến khích các hộ dân phía trong và mặt đường tự thoả thuận, phối hợp sang nhượng cho nhau.

ĐB Vũ Huy Hùng khẳng định: Lý giải của ông Tuấn về tình trạng này là do dân, do chính quyền cơ sở và cơ chế chính sách là không đúng vì dân cũng không hề muốn vi phạm quy định của pháp luật, không muốn làm những căn nhà như thế nhưng do chúng ta làm đường lấy mất đất của người ta đã đẩy dân vào tình trạng đó. Đã thế những người có đất ở bên trong tự nhiên được ra mặt đường, giá trị đất được nâng lên, đó là điều bất hợp lý. Hơn nữa, cơ chế, chính sách cũng là do chúng ta đặt ra. Vậy lỗi chính là tính vô cảm của cán bộ và bộ máy tổ chức, không thể chỉ là lỗi của dân.

Với nhiều câu hỏi về việc có những công trình dự kiến phải đến năm 2012 mới hoàn thành nhưng cũng được đưa vào công trình kỷ niệm 1.000 năm và bỏ 4 công trình ra, đưa 5 công trình vào các công trình kỷ niệm, ông Triệu Đình Phúc - GĐ Sở KH&ĐT đã không trả lời được hoặc trả lời không thoả đáng.

Phản ứng trước những câu trả lời của ông Phúc, Phó Chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ phải thốt lên: Không làm được thì tự đưa ra, còn để đưa vào thì dựa tiêu chí nào? Đó là chưa kể công trình đưa vào với thời gian rất gấp, gấp quá thì lại xin chỉ định thầu và thế là nảy sinh tiêu cực.

Cam kết không để thất thu tài sản nhà nước

Một vấn đề nóng tại phiên chất vấn là việc bán căn nhà 1B Đặng Thái Thân, Hoàn Kiếm. Giải thích về vấn đề này, ông Vũ Văn Hậu - GĐ Sở TNMTNĐ đã khẳng định: Theo sổ quản lý nhà lưu tại sở, thì ngôi nhà số 1A-1B phố Đặng Thái Thân là nhà gạch 2 tầng có tổng diện tích 1.734,95m2. Năm 1995, trong quá trình người dân quản lý sử dụng, khuôn viên nhà này đã hình thành các số nhà 1A, 1B và 1C riêng biệt.



Đại biểu Bùi Thị An chất vấn về căn nhà 1B Đặng Thái Thân.


Năm 1998 thành phố có quyết định về việc bán nhà ở trong khu phố cổ thuộc sở hữu nhà nước thì nhà 1B không thuộc diện không được bán. Trong đề án biệt thự của UBND TP trình Thủ tướng năm 1998 cũng không có tên nhà 1B Đặng Thái Thân. Chính vì lẽ đó đây là căn nhà được bán theo quy định của Nghị định 61.

Quá trình bán nhà theo NĐ 61, ông Hậu thừa nhận đã có sai sót, đó là ở số nhà này còn một diện tích 12m2 của 1 hộ gia đình chưa được mua nhà, khi bán lại bán hết phần sân chung là không công bằng. Chính vì sai sót này UBNDTP đã có văn bản số 3559/UBND-ĐCNĐ giao cho Sở TNMTNĐ thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đã cấp cho các hộ tại số nhà này...

Về vấn đề này, ĐB Bùi Thị An chất vấn: Theo báo chí và dư luận thì đó là nhà biệt thự, tại sao sở lại bảo là nhà cấp 3?

Ông Hậu trả lời: Nếu theo văn bản giấy tờ thì nó là nhà cấp 3 nhưng thực tế nó đúng là biệt thự hay không thì cũng không thể trả lời ngay được mà cần phải có sự giám định của các nhà chuyên môn.

ĐB Nguyễn Hoài Nam tiếp tục chất vấn: Việc lựa chọn đâu là nhà biệt thự để trình Chính phủ là quyền trong tay của sở, của thành phố, vậy thì làm sao đảm bảo được sự khách quan? Đất khu biệt thự tại Mỹ Đình cũng đến 34 triệu/m2, căn nhà 1B ở trung tâm thành phố, lại có khuôn viên rất lớn nên không thể gộp các diện tích phụ vào để đem bán. ĐB Ngô Văn Ny khá gay gắt: Không nên đem bán nhà 1A,1B,1C vì sẽ gây thất thoát quá lớn cho Nhà nước.

Tiếp thu các ý kiến này, ông Vũ Văn Hậu cho rằng: Việc bán căn nhà này theo NĐ61 đúng là giá tài sản chênh lệch so với thị trường khá lớn. Điều này cũng cho thấy chính sách của Nhà nước về nhà đất còn nhiều bất cập. Các ĐB phát biểu như vậy là đúng, Sở TNMTNĐ xin tiếp thu những ý kiến phát biểu để tham mưu cho TP và cam kết rằng sẽ không làm thất thoát tài sản của Nhà nước đồng thời kiểm điểm thiếu sót của những cán bộ đã lập hồ sơ làm thiếu sót.

HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết đặt tên 12 đường phố mới. Theo đó, quận Hai Bà Trưng có thêm phố Trần Đại Nghĩa. Quận Hoàng Mai, có thêm 2 phố Tương Mai và Trần Điền. Quận Long Biên, có thêm phố Thượng Thanh. Quận Thanh Xuân, có thêm phố Nguyễn Thị Định. Huyện Gia Lâm, có thêm đường Yên Thường. Huyện Thanh Trì, có thêm đường Tựu Liệt và đường Tả Thanh Oai. Huyện Từ Liêm có thêm các đường: Liên Mạc, Thượng Cát, Trung Văn và Mễ Trì.


X.Thu - Theo Lao Động