Top

Bộ TN&MT phản pháo quan điểm Bộ Công an về pháp lý condotel

Cập nhật 21/07/2020 08:39

Trái với lập luận của Bộ Công an tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tiếp tục khẳng định hành lang pháp lý cho loại hình căn hộ du lịch được quy rất rõ ràng.

Ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, nêu quan điểm về nội dung hành lang pháp lý cho các loại hình bất động sản kiểu mới gồm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú khi Bộ Công an có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không hợp thức hoá các loại hình bất động sản này thành nhà ở, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng hành lang pháp lý cho loại hình bất động sản du lịch (tiếng anh: condotel) đã rất rõ ràng.

Cụ thể, ông Phấn cho rằng căn cứ ban hành công văn 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở là căn cứ vào Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

"Về văn bản 703, chúng tôi căn cứ trên quy định của pháp luật để hướng dẫn việc xác định chế độ sử dụng đất là gì, việc cấp giấy chứng nhận đối với những loại hình này như thế nào? Một số địa phương nói rằng, chưa rõ đối tượng nhưng tôi khẳng định văn bản 703 rất tường minh về đối tượng. Trong văn bản, chúng tôi ghi hẳn bên nhận chuyển nhượng (có thể là hộ gia đình cá nhân, cũng có thể là tổ chức)" - ông Phấn khẳng định.

Cũng theo ông Phấn, về bản chất quy định pháp luật hiện hành đã có đầy đủ. Các địa phương khó thực hiện với lý do là ngôn ngữ truyền đạt khác nhau. Trong khi luật, nghị định, thông tư hướng dẫn bằng tiếng Việt thì trong xã hội lại gọi đó bằng các từ tiếng Anh - condotel và officetel, do đó trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải truyền tải từ nội hàm xã hội sang quy định pháp luật.

Đối với phạm vi điều chỉnh của văn bản 703, ông Phấn cho rằng chỉ cho đối tượng nhận chuyển nhượng chứ chủ đầu tư sơ cấp đã được cấp giấy chứng nhận khi được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.

Việc hướng dẫn các địa phương là các dự án phát triển có rất nhiều công đoạn và rất nhiều cơ quan chức năng phải tham gia vào. Quan điểm của Bộ là đầu vào phải thượng tôn pháp luật, phải tuân thủ giao đất, lập dự án đầu tư phải đúng quy hoạch.

"Dự án đủ điều kiện theo quy định tại Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản thì sẽ được cấp giấy chứng nhận" - ông Phấn khẳng định.

Được biết, trước đó Bộ Công an đã có báo gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không hợp thức hóa các loại hình condotel, officetel, biệt thự du lịch thành nhà ở do việc quản lý, kinh doanh các loại hình này còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Đồng thời, Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra các dự án tại một số địa phương phát triển "nóng" loại hình bất động sản này.

Báo cáo của Bộ Công an cũng chỉ rõ, có thực trạng tại một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu đang chuyển đổi mục đích sử dụng đất xây căn hộ du lịch, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ du lịch (condotel) cho người mua, dần hợp thức hóa các loại hình bất động sản này.

Bộ Công an cũng cho rằng việc chuyển đổi này sẽ gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự khi vừa qua có nhiều chủ đầu tư đã phá vỡ cam kết chi trả lợi nhuận cho người mua.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN