Top

Trung Quốc có bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tại Mỹ?

Cập nhật 21/09/2007 15:00

Cuộc khủng hoảng trên thị trường cho vay thứ cấp của Mỹ đã và đang có những ảnh hưởng tiêu cực tới hầu hết thị trường khác trên thế giới. Hiện có một số ý kiến tranh cãi rằng, liệu thị trường tài chính và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này?

Mới đây, ba ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc gồm: Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC) cho biết, tính tới tháng 6/2007, họ đã đầu tư tổng cộng 12 tỷ USD vào thị trường cho vay thứ cấp của Mỹ. Nhưng theo số liệu của Mỹ, chỉ tính tới tháng 6/2006, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nắm giữ một lượng cổ phiếu tương đương 107,5 tỷ USD và con số hiện nay chắc chắn còn cao hơn thế.

Một số nhà phân tích trong khu vực cho rằng, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu các khoản đầu tư của các ngân hàng quốc doanh gặp rủi ro. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã phản đối lập luận trên, bởi lẽ việc đầu tư ra nước ngoài của các tổ chức tín dụng Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, phần lớn cổ phiếu đầu tư trên thị trường cho vay thứ cấp của Mỹ đều được xếp hạng AAA về độ an toàn.

Mặt khác, sự ổn định của giá cổ phiếu các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc được niêm yết trên thị trường nước ngoài bất chấp tuyên bố về khoản đầu tư trên thị trường Mỹ cũng chứng tỏ rằng, vấn đề vẫn trong tầm kiểm soát và không ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, Jim Walker, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn CSLA, một trong những quỹ đầu tư độc lập lớn nhất châu Á cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Mỹ sẽ có những tác động sâu sắc tới Trung Quốc. Ông Jim Walker cho rằng, Trung Quốc vốn được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách tiền tệ của Mỹ cũng sẽ gánh chịu nhiều rủi ro nhất từ cuộc khủng hoảng này.

Trong những năm vừa qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Do vậy, khi khủng hoảng xảy ra, nhu cầu hàng hóa từ Mỹ sẽ giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền sản xuất của Trung Quốc.

Ông Jim Walker cho rằng, nhu cầu hàng hóa của các nước khác trên thế giới không đủ bù đắp thiếu hụt từ thị trường Mỹ khi mà nhu cầu của Nhật Bản và châu Âu cũng đã bắt đầu suy giảm từ quý II/2007.

Trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc luôn giữ giá đồng nhân dân tệ thấp tương đối so với đồng USD. Điều này dẫn tới giá cả đầu vào bị định giá thấp hơn, từ lãi suất ngân hàng cho tới giá tiêu dùng. Lãi suất thực tại Trung Quốc chỉ là 1%, là một tác nhân có thể tạo ra bong bóng trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.

"Thật khó có thể tưởng tượng cả nền kinh tế đã bị bóp méo như thế nào bởi sự không chính xác trong các yếu tố giá cả", ông Walker nói.

Theo ông Chi Lo, Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Bình An (Trung Quốc), tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian sắp tới sẽ suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP của nước này, vốn có sự đóng góp lớn của xuất khẩu. Thêm vào đó, việc lên giá của đồng nhân dân tệ cũng sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc.

Dự kiến, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt 11%. Theo ông Jim Walker, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 5% trong nửa đầu năm 2008. Sự lên giá của đồng nhân dân tệ sẽ có lợi cho Trung Quốc khi làm chậm lại đà tăng trưởng quá nóng của nước này, kích thích tiêu dùng trong nước và hướng nền kinh tế nước này vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, cũng có những nhân tố có thể hạn chế nguy cơ suy giảm tăng trưởng. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đã dự phòng một biện pháp là mở rộng tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kể từ năm 2002, chi tiêu Chính phủ đã thay đổi, từ thâm hụt 3% GDP sang thặng dư 0,5%. Mức thặng dư này cho phép Trung Quốc có thể tăng chi tiêu khi cần vào các chương trình phúc lợi xã hội như y tế, lương hưu và giáo dục.

Thêm vào đó, sức tiêu dùng của thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng ổn định với mức tăng trung bình 10% hàng năm. Với các biện pháp tác động của Chính phủ Trung Quốc khi cần thiết, mức tăng sẽ còn cao hơn.

Một yếu tố cuối cùng tác động tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, theo các chuyên gia kinh tế, là quá trình đô thị hóa cùng với mức tăng trong thu nhập của người dân sẽ tạo cầu về đầu tư bất động sản, làm tăng tiêu dùng trên thị trường nội địa.

Theo DTCK