Top

Sở hữu 50 năm

Cập nhật 13/07/2015 10:32

“Người nước ngoài mua căn hộ sẽ sử dụng được 50 năm và sau đó có thể gia hạn thêm 20 năm nữa. Nếu người này chưa ở hết 50 năm rồi bán căn hộ này lại cho người Việt Nam, người đó sẽ sở hữu vĩnh viễn. Còn người Việt Nam mua căn hộ ở được 30 năm sau đó bán lại cho người nước ngoài, người nước ngoài đó sẽ được sở hữu 50 năm. Sau đó, nếu người nước ngoài chuyển nhượng lại cho người Việt Nam thì người Việt Nam sở hữu vĩnh viễn”.

Đó là giải thích của trưởng phòng kinh doanh một công ty tư vấn bất động sản (BĐS) với Francis Koh, một công dân Singapore đang muốn mua căn hộ cao cấp tại một dự án cạnh bờ sông Sài Gòn sau khi được biết người nước ngoài được quyền sở hữu BĐS tại Việt Nam kể từ sau ngày 1-7-2015. Francis nói với tôi anh sẵn sàng trả ngay số tiền 2,5 tỷ VNĐ để mua căn hộ 1 phòng ngủ 50m2 trên tầng 19 mà anh rất ưng ý.

Tính ra đô la Singapore (SGD), căn hộ này chỉ có 150.000SGD và số tiền này chỉ đủ để anh đặt cọc mua một dự án nằm ngoài khu trung tâm Singapore. Theo dự kiến, căn hộ sẽ hoàn thành và giao cho khách hàng vào cuối năm 2017 với giá cho thuê kỳ vọng không dưới 500USD/tháng. Trong trường hợp căn hộ được giá, anh cũng nghĩ đến việc bán lấy lời và có thể mua một căn hộ khác lớn hơn.

Nhưng sau khi tìm hiểu, nghe ngóng và cảm nhận thông tin đa chiều trong chuyến ngao du Sài Gòn trong suốt 3 ngày, Francis lại quyết định chưa mua căn hộ. Anh nói lý luận từ lời giải thích nói trên về hạn chế sở hữu 50 năm là chưa thỏa đáng bởi luật chơi không công bằng. Tại sao lại có chuyện phân biệt đối xử 50 năm rồi gia hạn thêm 20 năm vì rủi như không được gia hạn thêm thì anh bắt đền ai đây?

Theo anh, đã cho người nước ngoài vào mua BĐS thì Nhà nước nên tạo ra cuộc chơi bình đẳng. Chẳng hạn như ở Singapore, nhà nước có thể phụ thu một số lệ phí ban đầu đối với người nước ngoài nhưng đã vào thị trường mua bán thì không còn phân biệt. Thật vậy, tại Singapore cũng có nhiều dạng sở hữu khác nhau về nhà ở như sở hữu 30-50 năm cho khu công nghiệp tùy loại, sở hữu 99 năm cho căn hộ chung cư do nhà nước xây (HDB), tư nhân (private apartment) hay cao cấp (condominium), sở hữu 999 năm và vĩnh viễn (freehold).

Lẽ đương nhiên, căn hộ nào có thời hạn sở hữu dài hơn sẽ có giá cao hơn. Theo luật Singapore, người nước ngoài không được phép mua nhà có đất mà chỉ được phép mua căn hộ, tức chỉ sở hữu phần “ốc” ở phía trên. Francis cho tôi biết căn hộ HDB 120m2 hiện nay của anh được chính phủ xây vào năm 1995 và như vậy anh chỉ còn được sở hữu 75 năm. Sau đó, về nguyên tắc là trả lại cho chính phủ Singapore chứ hoàn toàn không có chuyện gia hạn.

Một khu căn hộ HDB ở Singapore.

Nhưng 50 năm cũng là một quãng thời gian khá dài cho một đời người và cả dự án kinh doanh dù nhỏ nhất. Giả sử sau khi bỏ qua các yếu tố lãi suất, lạm phát, chi phí giao dịch, tiền thuê hàng năm cho căn hộ của Francis mua ở Việt Nam là 5.000SGD thì chỉ cần 30 năm xem như anh đã hoàn vốn và được ở “chùa”.

Có nhiều khả năng, căn hộ của Francis sẽ tăng giá và bất cứ con số nào trên 150.000SGD cũng được xem là lãi. Nhưng ngược lại, cũng không loại trừ tình huống không có ai thuê căn hộ và Francis cũng không có lý do gì phải sinh sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam.

Cùng tôi quay lại Singapore qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, Francis thẳng thắn nói với tôi rằng quyết định chưa tham gia vào thị trường BĐS tại Việt Nam không chỉ đơn tuần là chuyện sở hữu 50 năm mà tùy thuộc vào yếu tố rất căn cơ là cải thiện môi trường sinh sống, làm việc và vui chơi của người Việt Nam và nước ngoài trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử.

Còn đối với riêng tôi, câu hỏi đặt ra là người nước ngoài nào sẽ vào thuê ở căn hộ của Francis khi thị trường căn hộ cao cấp cung đã vượt xa cầu và đa phần người Việt Nam thích ở nhà có đất còn căn hộ thì cho người khác thuê để lấy tiền xài hàng tháng.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư