Một mảnh bạt nhựa, một cái chăn, một túi ngủ. Vậy là đủ cho một cái giường tạm bợ dưới bóng một tòa nhà chung cư chọc trời đối với một người nghèo Hong Kong (Trung Quốc). Họ thà ra đường ở còn hơn phải chen chúc trong các căn nhà chật chội và giá thuê đắt đỏ.
Ông Ah - po 54 tuổi là một người như thế. Ông làm việc trong một cửa hàng vào ban ngày, còn ban đêm ông ngủ bên ngoài một sân bóng đá gần đó. Cuộc sống như vậy đã kéo dài ba năm. Ông nói: “Tôi làm việc vất vả ban ngày. Tôi chỉ hi vọng sống thoải mái vào ban đêm. Nhưng giờ giá thuê nhà cao quá”.
Trong một thành phố mà khoảng cách giàu nghèo đang trở thành một cái hố ngăn cách không thể thu hẹp, ông Ah - po thuộc số những người thu nhập thấp chọn ngủ đường để tiết kiệm tiền. Đối với họ, các căn hộ bị chia nhỏ cho nhiều người thuê, hoặc một chỗ ngủ vài mét vuông vẫn có giá quá đắt so với khả năng chi trả.
Ông Ah - po ngủ dưới mái che sân bóng đá đã ba năm qua. Ảnh: AFP
|
Như ông Ah - po, ông từng có thể kiếm tới 1.500 USD mỗi tháng khi còn khỏe và đã ra ra vào vào các khu nhà cho thuê giá rẻ hơn khi công việc làm ăn thất bát cách đây 8 năm. Tuy nhiên, giá bất động sản tăng vọt trong 10 năm qua, ngay cả một phòng chưa đầy 9 m2 cũng có giá thuê vài nghìn đô la Hong Kong mỗi tháng. Ông không còn đủ tiền để thuê nơi ở nữa.
Nghiên cứu của các trường đại học và tổ chức phi chính phủ ở Hong Kong cho thấy số lượng người vô gia cư đã tăng lên hơn 1.600 người năm 2014, tăng 14% so với khảo sát thực hiện năm 2013. Hơn 1/3 trong số người vô gia cư có công ăn việc làm. Giáo sư Wong Hung thuộc khoa công tác xã hội của Đại học Trung văn Hong Kong cho biết: “Nếu họ trả tiền thuê, họ phải sống ở chỗ chật chội, nóng bức, ẩm thấp, nhiều côn trùng. Nếu họ ra công viên hay ngủ dưới gầm cầu bộ hành, dù ồn ào nhưng họ có thể chợp mắt”.
Vấn đề trở nên trầm trọng hơn trong hai đến ba năm qua khi mức lương không theo kịp giá thuê nhà tăng cao. Trong khi đó, danh sách chờ nhà ở xã hội thì dài dằng dặc. Nhà ở xã hội lại thường ở ngoại ô thành phố nên nếu có được ở thì cũng phải mất thêm tiền di chuyển vào thành phố làm việc.
Trong khi đó, các chủ nhà không phải tuân theo một quy định pháp lý nào về kích thước tối thiểu cũng như tiện nghi cơ bản của một căn hộ. Do đó, họ tha hồ chia nhỏ các căn hộ để cho càng nhiều người thuê càng tốt. Thực ra, cũng không thể gọi đó là căn hộ vì diện tích không rộng hơn một cái giường là mấy. Mỗi chỗ ở như thế chỉ rộng 2,6 m2, chỉ đủ để nằm ngủ. Giá thuê chỗ như thế có thể lên tới 2.000 đô la Hong Kong (khoảng 5,7 triệu đồng/tháng). Bếp và khu vệ sinh bẩn thỉu được dùng chung giữa người thuê.
Tất cả những yếu tố đó đã khiến giải pháp ngủ đường xem ra là khả thi nhất với đối tượng người nghèo. Giờ đây, độ tuổi trung bình của người vô gia cư đang tăng do họ có xu hướng ngủ đường lâu dài.
Không chỉ ngủ đường, một bộ phận người nghèo còn tìm tới những nhà hàng ăn nhanh mở cửa 24/24 giờ để ở tạm. Với nhiều người, McDonald không chỉ là nơi ở tạm mà đã trở thành nhà. Ông Ko Wing - kam 62 tuổi là một trong số đó. Dù không thích nhưng ông không còn lựa chọn.
Chính quyền Hong Kong cho biết đang tìm cách hỗ trợ những người vô gia cư bằng một loạt dịch vụ như cung cấp nơi ở khẩn cấp hay chi trả an sinh xã hội. Tuy nhiên, với các nhà hoạt động xã hội, bấy nhiêu là chưa đủ. Theo ông Ng Wai - tung thuộc Tổ chức Xã hội vì Cộng đồng (SOCO) chuyên hỗ trợ người nghèo ở Hong Kong, chính quyền cần tập trung xây dựng khu nhà ở giá rẻ ở các khu vực đô thị để người vô gia cư có thể sống. Theo ông Wai - tung, có việc làm mà không thể thuê nổi chỗ ở là điều đáng buồn.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin tức
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: